• 05/08/2016 22:39:09 | 26879 lượt xem

Đồng bào dân tộc Chứt bản Rào Tre, Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh

Biên Phòng - Từ lâu, người ta biết đến người Chứt định cư ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh là một tộc người lạc hậu, sống chủ yếu trong hang đá, duy trì sự sống bằng săn bắt và hái lượm… Ít ai biết rằng, từ cuộc sống núi rừng ấy, tộc người Chứt đã sáng tạo ra những nhạc cụ độc đáo, mang đậm nét hoang sơ, mộc mạc. Bản sắc văn hóa ấy rất cần được lưu giữ trong quá trình hòa nhập với cộng đồng.

419x496_9bp-1.jpg
Bà Hồ Thị Sen với cây đàn Trơ bon.
Tình yêu bắt đầu từ tiếng đàn, tiếng sáo

Từ TP Hà Tĩnh, chúng tôi vượt hơn 100km đường rừng, men theo những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn hình chữ U mới đến được bản Rào Tre, nơi có đồng bào dân tộc Chứt sinh sống. Bản Rào Tre nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi trong dãy Kà Đay và con sông Ngàn Sâu. Thời điểm mới phát hiện, tộc người Chứt chỉ là một nhóm người, giờ đây đã phát triển thành bản với 34 hộ/135 khẩu. Sống bao đời trong rừng núi, cách xa với các vùng dân tộc khác, đồng bào Chứt thường làm bạn với tiếng đàn, tiếng sáo rất mộc mạc, dân dã.

Qua cuộc trò chuyện với cán bộ Biên phòng công tác tại địa bàn, chúng tôi được biết, đồng bào Chứt có ba loại nhạc cụ, đó là đàn Trơ bon (đàn nứa), đàn Muôi (đàn Môi) và sáo Pi. Những loại nhạc cụ này rất dễ làm, với đàn Trơ bon thì chỉ cần một ống nứa, hai dây cước chạy song song theo ống nứa và một thanh nứa mỏng dùng để kéo là đã thành cây đàn. Khi đến dịp hội hè, người Chứt thường mang các nhạc cụ do mình chế tạo ra để biểu diễn làm cho ngày hội thêm rộn ràng, sôi nổi. Khi cô gái dạo những khúc nhạc từ cây đàn Trơ bon thì cũng là lúc chàng trai đáp lại bằng tiếng sáo Pi, cả hai hòa vào nhau, lan tỏa khắp núi rừng. Và cũng nhờ tiếng đàn, tiếng sáo ấy mà những người con trai, con gái tìm đến và ăn đời ở kiếp với nhau.

Trong căn nhà gỗ đơn sơ của vợ chồng ông Hồ Phương và bà Hồ Thị Sen, một trong hai gia đình hiếm hoi còn lưu giữ cây đàn truyền thống của người Chứt, chúng tôi được thưởng thức tiếng đàn Trơ bon của hai vợ chồng. Trước đây, ông Hồ Phương nổi tiếng là người khéo tay, đàn Môi, đàn Trơ bon trong bản hầu hết đều do ông làm. Âm thanh của tiếng đàn nghe rất lạ nhưng du dương và dễ đi vào lòng người.

Là một người kéo đàn có tiếng trong bản, bà Sen không nhớ mình biết kéo đàn từ bao giờ và chính bà cũng không biết năm nay mình bao nhiêu tuổi. Bà chỉ biết rằng, lúc còn trẻ thường kéo đàn trong những đêm hội và cũng chính nhờ tiếng đàn ấy mà ông bà đã nên duyên vợ chồng. Cầm cây đàn trên tay, bà kể: "Vợ chồng tui nên duyên cũng nhờ tiếng đàn, tiếng sáo này đó. Cũng không biết từ bao giờ, tôi mê tiếng sáo của ông ấy, còn ông ấy cũng rất thích tiếng đàn của tôi. Hồi đó, ngày nào ông ấy cũng cầm sáo Pi, còn tôi mang đàn này ra bờ suối. Hai người thổi sáo, đánh đàn cả đêm".

Trưởng bản Hồ Kính cho biết: "Đàn, sáo thường được dùng trong các lễ hội như lễ hội xuống giống, lễ cúng hồn lúa... Trước đây, con gái, con trai trong bản đều biết cách làm và sử dụng đàn, sáo. Những chàng trai, cô gái trong bản có cảm tình với nhau thường dùng đàn, sáo để thay cho lời tỏ tình và người nào thích tiếng đàn, tiếng sáo của người kia thì tự tìm đến nhau".

Những năm gần đây, cuộc sống ở bản Rào Tre mỗi ngày một thay đổi, cuộc sống hiện đại đã làm tiếng đàn, tiếng sáo truyền thống của đồng bào Chứt mai một dần. "Hiện nay, trong bản chỉ còn 4 già làng biết đánh đàn Trơ bon thổi sáo, còn thanh niên giờ chỉ thích nghe nhạc hiện đại thôi, không ai biết làm, biết đánh đàn Trơ bon, đàn Môi nữa. Những tiếng đàn, tiếng sáo mà trước đây tôi vẫn thường được nghe thì bây giờ đã trở nên hiếm hoi"- Trưởng bản Hồ Kính buồn bã nói.

Nên duyên vợ chồng từ bó củi

Trong văn hóa hôn nhân của người Chứt, bó củi được xem là một vật rất thiêng liêng. Khi chàng trai có cảm tình với một cô gái và muốn cưới cô về làm vợ thì chàng trai phải vào rừng chặt một bó củi, bó lại gọn gàng, sau đó bí mật đem đến đặt trước cửa nhà cô gái, không để các chàng trai khác biết. Việc làm này của chàng trai được nhà gái hiểu như một lời cầu hôn.

Nếu sáng hôm sau, chàng trai thấy bó củi vẫn để nguyên thì mang bó củi về, chờ dịp tìm hiểu và cầu hôn người con gái khác. Và ngược lại, nếu gia đình cô gái đồng ý thì sẽ mang bó củi đó vào nhà bếp. Sau khi được nhà gái đồng ý, chàng trai sẽ về thưa chuyện với bố mẹ sang đặt vấn đề với nhà gái để đưa vợ về. Từ đó, người con trai được đến ăn ở như vợ chồng với cô gái, cho dù chưa tiến hành lễ cưới hỏi. Trong quan niệm của người Chứt, bó củi càng đều, càng đẹp, gọn gàng thì chứng tỏ chàng trai là một người chăm chỉ, cẩn thận.

Theo phong tục của đồng bào Chứt, sau lễ cưới, vợ chồng ăn ở tại nhà gái 5 ngày đêm, sau đó về nhà trai 3 ngày đêm. Khi hết hạn quy định, vợ chồng quỳ lạy cha mẹ chồng, được cha mẹ cho phép mới được quyền tự do đi lại. Trưởng bản Hồ Kính cho biết: "Khi đôi trai gái có cảm tình với nhau thì có thể rủ nhau vào rừng chơi qua đêm, nhưng họ rất tôn trọng nhau mà không bao giờ vượt qua giới hạn cho phép".

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc Chứt đang dần có một cuộc sống mới hòa nhập với cộng đồng các dân tộc, song vấn đề hôn nhân cận huyết đối với đồng bào Chứt vẫn là một bài toán khó giải. "Để giảm tình trạng hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi dự định sẽ tổ chức cho bà con người Chứt ở Hà Tĩnh giao lưu văn hóa, văn nghệ với đồng bào người Chứt ở Quảng Bình vào dịp Tết lấp lỗ và Tết Chăm-cha-bới, là hai Tết truyền thống của họ để thanh niên hai vùng quen biết nhau, tìm hiểu và đến với nhau" - Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác Rào Tre, Đồn BP Bản Giàng chia sẻ.
Thanh Tâm

Các bài viết khác

BACK TO TOP