(Dân trí)- "Chúng em không thể đến trường mà bố đang nằm chờ chết ở bệnh viện, chúng em không thể học tập bằng đồng tiền mà mẹ phải lam lũ đi xin. Chúng em đành phải nghỉ học vì nhà đã khánh kiệt ”.
Cảnh cửa đường đời tưởng như rộng mở đối với 2 anh em ruột học rất giỏi Hồ Sỹ Lịnh (lớp 11B8, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Văn Trỗi) và Hồ Sỹ Sơn (lớp 7, Trường trung học cơ sở Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), nhưng căn bệnh quái ác bất ngờ ập xuống đang từng ngày lấy đi mạng sống của người cha đã khiến hai anh em ruột đáng thương rơi vào bế tắc.
Chúng tôi vượt cơn mưa rào của những ngày cuối hè đến với ngôi nhà lụp xụp chưa kịp trát vữa của gia đình anh Hồ Sỹ Giáp (SN 1958) và chị Trần Thị Đàn (SN 1964) thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ngôi nhà không có một thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ. Anh Giáp đang nằm ở bệnh viện với căn bệnh teo não, còn chị Đàn vẫn chưa trở về trong buổi chiều cuốc bộ hành khất ăn xin để có tiền nuôi chồng nơi bệnh viện. Ngôi nhà chỉ có hai anh em trai vốn đang thẫn thờ vuốt ve, gói gém những tấm giấy khen về thành tích học tập.
"Sao các em lại xếp sách vở, những tấm giấy khen ấy vào giờ này ?" Câu hỏi của chúng tôi như chạm vào nỗi đau về hoàn cảnh éo le, khiến khuôn mặt của 2 cậu bé ứa lệ.
Hai anh em Lịnh và Sơn với 7 trong số nhiều giấy khen đã dành được trong quá trình học tập. Những tấm giấy khen này giờ được 2 em xếp lại, trở thành những kỷ niệm đẹp thủa ấu thơ. Với Lịnh và Sơn, giờ là lúc phải dành thời gian để phụ giúp mẹ chuyện đồng áng, kiếm tiền để cứu cha.
Anh Giáp, chị Đàn đều sinh ra tại vùng đất nghèo khó, quanh năm thu nhập chính chỉ trông vào mấy sào lúa nước. Năm 1996 anh chị đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, đám cưới không có lấy một mâm cơm để báo cáo tổ tiên. Cuộc sống nhọc nhằn, khổ sở, nhưng bù lại anh chị lại lần lượt sinh được Lịnh, Sơn khôi ngô và rất thông minh. Cuộc sống vốn đã chạy ăn từng bữa, giờ nuôi 2 đứa con ăn học lại càng túng thiếu, nghèo lại chồng nghèo. Đang trong cơn khốn khó, cần tiền cho con ăn học thì 2 năm trở lại đây anh Giáp mắc căn bệnh quái ác nằm liệt một chỗ, một ngày tiêu tốn đến 240 ngàn tiền thuốc và tiền sinh hoạt.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Trãi, Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện huyện Lộc Hà, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Giáp cho biết, anh Giáp mắc căn bệnh teo não, phải được điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc tuyến Trung ương có điều kiện thiết bị, thuốc men chữa trị tốt, đầy đủ hơn. Nhưng gia đình anh Giáp quá éo le nên chỉ đưa bệnh nhân vào đây để điều trị cầm cự. Biết được hoàn cảnh anh chị khó khăn nên bệnh viện cũng báo cáo công đoàn có hỗ trợ bữa cơm, chứ không giúp được gì nhiều.
Chị Đàn hốc hác, thẫn thờ bên người chồng bệnh tình ngày một nặng
Chứng bệnh nan y, muốn kéo dài sự sống cho chồng phải rất tốn kém, nhưng cả nhà chị Đàn chỉ có 3 sào ruộng, lúa gặt về chưa kịp rao khén đã bán sạch. Hàng ngày chị Đàn phải cuốc bộ gần 7 km đế đến bệnh viện chăm chồng, sau đó lại cuốc bộ về nhà để đi ăn xin, kiếm ít tiền lo cơm cháo cho chồng. Hàng xóm thương số phận chị Đàn vất vả, tần tảo vì chồng con đã giúp sức, cử người lên viện thay nhau giúp chị chăm anh Giáp. Nhưng những người hàng xóm tốt bụng quê chị ai cũng bận rộn với đồng áng, chỉ hỗ trợ được phần nào.
Cha bệnh nan y, mẹ kiệt sức, 2 anh em Sơn, Lịnh vốn ngoan ngoãn, học giỏi từ hai năm nay phải sống cảnh bữa no, bữa đói. Hàng xóm của hai em đã nhiều lần rớt nước mắt chứng kiến cảnh hai anh em tội nghiệp phải chia nhau một gói mì tôm để sống qua ngày. Sắp bước vào năm học mới, nhưng Lịnh và Sơn đành phải nuốt nước mắt vào trong, gói gém sách bút lại để dành tiền cho cha chữa bệnh.
“Anh em chúng em muốn được đi học như các bạn. Chúng em muốn học, muốn thoát khỏi cảnh ruộng vườn như bố mẹ để có việc làm kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng giờ cánh cửa đầy ước mơ của chúng em đã đóng chặt lại. Chúng em không thể đến trường mà cha nằm chờ chết ở bệnh viện, chúng em không thể học tập bằng đồng tiền mà mẹ phải lam lũ đi xin. Buồn lắm, nhưng chúng em phải nghỉ học để thay mẹ đến bệnh viện chăm cha”– cậu bé Sơn rơm rớm nước mắt trước cảnh phải bỏ học để dành tiền nuôi cha.
Bữa cơm đạm bạc chỉ nước mì tôm chan cơm của anh em Lịnh Sơn.
Gánh nặng gia đình ngày một đè nặng lên đôi vai nhỏ héo gầy khiến chị Đàn cứ tiều tụy dần. Chị nhiều khi tưởng chừng như không thể bước đi được nữa. Nói chuyện với chúng tôi giọng chị Đàn khóc nghẹn: “ Khổ lắm chú à, trong nhà không còn cái gì để bán nữa, cái gì bán được nhà tui đã đem bán hết rồi, lúa trong sập cũng hết, bệnh tình cha nó ngày càng nặng thêm, tui đường cùng mất rồi chú ơi... Cả 2 đứa đang đi học cũng phải nghỉ học, tui thương chúng nó, nhưng giờ biết làm sao đây”.
Trưởng thôn Yến Giang xã Hồng Lộc Phan Văn Nuôi ngậm ngùi trước hoàn cảnh của gia đình chị Đàn: “Nói đến nhà chị Đàn, anh Giáp chắc cả xã này ai cũng biết, nghèo khổ và cám cảnh không ai bằng. Tiền thuế nhà nước xóm cũng báo cáo với xã cho gia đình anh chị nợ. 3 sào ruộng đang làm đòng nhưng cả nhà không có lấy một đồng để mua phân bón cho lúa. Hai đứa con cũng phải nghỉ học, vì không có tiền đóng học, khi năm học mới còn ít ngày nữa bắt đầu. Hoàn cảnh anh chị hết sức éo le. Vừa rồi thôn cũng ủng hộ gia đình chị Đàn được 700 nghìn đồng để thêm vào lo tiền thuốc thang cho chồng. Số tiền đó là quá ít, nhưng đó là cả tấm lòng của bà con thôn xóm. Mong rằng các nhà hảo tâm cứu giúp được gia đình anh Giáp”.
Đồng cảm với hoàn cảnh quá éo le của gia đình anh Giáp chị Đàn, chính quyền xã Hồng Lộc mong các nhà hảo tâm nới rộng vòng tay giúp đỡ, giúp gia đìh này bớt được chút ít khó khăn.
Chia tay gia đình chị Đàn cũng là lúc mà 2 anh em Lịnh và Sơn bắt đầu ăn tối. Nhìn bữa cơm chỉ có gói mì tôm đun với nước lả, ngẫm cuộc sống khốn khổ, bố mẹ bệnh tật tiều tụy mà hai em vẫn dành được vô số tấm giấy khen thực sự là một kỳ tích. Chúng tôi tin, nếu các em được tiếp sức đến trường, không thất học thì ước mơ trở thành người có ích cho xã hội, ước mơ kiếm được tiền bằng khối óc và trí thông mình đẻ giúp đỡ gai đình vẫn thênh thang rộng mở với Lịnh và Sơn..
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1128: Chị Trần Thị Đàn, thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh.
Liên hệ ông Hừng (nhà gần chị Đàn) SĐT: 0168. 519. 0566
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã)
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email: quynhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
|
Anh Tấn - Văn Dũng