- 13/02/2014 16:54:26 | 1289 lượt xem
Chuyện đời cay đắng của người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ
Dù lần đầu tiên đến xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, nhưng chúng tôi dễ dàng hỏi thăm đường đến nhà chị, bởi ở làng quê nhỏ bé này không ai không biết đến số phận cơ cực, lỡ dở của cô Tâm “mò cua, bắt ốc” từng có thời gian bị lừa bán sang Trung Quốc.
Dằn mặt bằng tổ kiến vì “chủ mưu” bỏ trốn
Mồ côi bố mẹ từ 5 tuổi, chị Tâm lớn lên trong sự thiếu thốn, cơ cực đủ đường. Nhà có ba chị em thì mỗi người đi ở cho một nhà. Không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, chị sớm phải lặn lội mò cua, bắt ốc kiếm tiền nuôi sống bản thân. Năm 1990, khi chị Tâm vừa tròn 26 tuổi, một chị bạn ở làng bên rủ chị đi buôn chè.
Lúc đó, tôi nói làm gì có vốn nên không đi nhưng cô bạn bảo sẽ lo vốn, lãi được bao nhiêu chia đôi. Thế là tôi theo đi. Cô bạn đưa tôi lên Phú Thái, rồi bắt xe đi Lạng Sơn. Cùng đi với tôi chuyến đó còn một cô nữa. Đến biên giới, ba chúng tôi men theo đường rừng sang đất Trung Quốc, nhưng 3 lần đều bị công an Trung Quốc bắt trả về. Đến lần thứ tư, chúng tôi mới đi trót lọt.
Sau gần một ngày đi ô tô mệt mỏi, chúng tôi dừng chân ở một ngôi làng. Đến một ngôi nhà, chị bạn bảo tôi ngồi chờ ngoài cửa, chị vào nhà nói chuyện với người đàn ông. Một lúc sau đi ra, chị bảo tôi ngồi chờ, chị đi mua bánh về ăn, tôi đòi đi theo, nhưng chị ấy không cho. Chờ mãi, không thấy hai người quay lại, tôi đã linh tính sự chẳng lành. Một lúc sau, người đàn ông trong nhà cầm trên tay một sấp tiền chỉ trỏ ra ngoài đường rồi kéo tôi vào nhà. Lúc đó tôi lờ mờ hiểu rằng mình đã được người ta mua về làm vợ” - chị Tâm kể.
Đêm đầu tiên, chị Tâm không dám ngủ, sợ hãi thu mình một góc giường. Người đàn ông xuống cuối giường, chị lại chạy lên đầu giường. Cứ như vậy đến sáng. Sáng hôm sau, anh ta đưa chị đi làm nương cùng. “Hàng ngày, tôi phải dậy sớm theo chồng đi trồng mía, làm từ sáng đến tối. Những ngày đầu, anh ta kèm tôi rất chặt, đi vệ sinh cũng ngồi ngoài canh.
Ở nhà vốn đã không biết chữ, sang đây lại không biết tiếng, nên tôi đành cam chịu làm thân tôi đòi cho nhà họ. Ngày nào tôi cũng phải dậy từ 3h sáng nấu cơm ăn, rồi đi trồng mía, trưa về cơm nước rồi lại đi làm, tối về nhà lại phục vụ bố mẹ và anh chị nhà chồng, đến 12h đêm mới được đi ngủ”.
Tôi cắt ngang, “Khổ thế, tại sao chị không tìm cách bỏ trốn về Việt Nam?”. Chị Tâm buồn rầu: “Cũng có một lần và mỗi lần nhớ đến điều đó, tôi vẫn còn run lên vì sợ hãi”.
Chị kể: “Cam chịu làm vợ nhà A Sỉ (chồng chị) được khoảng 3 tháng thì tôi gặp một chị quê ở Hải Phòng cũng bị bán vào làng làm vợ. Gặp tôi, chị rủ tôi cùng bỏ trốn. Nhưng vì không biết đường nên chúng tôi bị dân làng vây bắt trở lại ngay sau đó. Cho rằng tôi ở làng đã lâu, thông tỏ đường đất, nên “chủ mưu” rủ chị kia chạy trốn, dân làng đưa tôi ra giữa làng bêu riếu. Kinh hãi hơn, họ bắt một tổ kiến với những con kiến rất to mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy, rồi rũ ra đặt lên đầu tôi. Bữa đó, tôi bị kiến đốt khắp người, toàn thân sưng vù, rát buốt. Họ còn dùng que sắt to đánh vào chân tôi, mặc cho tôi khóc lóc, van xin”.
Sau 10 năm ở xứ người, tôi vẫn nói dối A Sỉ là ở quê tôi còn bố mẹ già và bảo với chồng: “Tao đẻ cho mày hai đứa con trai, mày phải cho tao mang một đứa về thăm, để bố mẹ tao biết”. Rồi A Sỉ cũng đồng ý cho chị Tâm về Việt Nam, nhưng “canh”, không cho chị mang theo con.
“Ông ta nhét cho tôi 400 tệ (khoảng 700.000 đồng) và mấy bộ quần áo. Trở về trong sự ngỡ ngàng của người thân, anh em họ hàng khuyên chị ở nhà làm lại cuộc đời nhưng được khoảng 1 tháng, vì nhớ 3 đứa con quay quắt, nên chị Tâm lại khăn gói quay trở lại Phấp Phố.
Hai năm sau, chị Tâm lại xin về thăm bố mẹ. Thừa lúc gia đình chồng không để ý, chị trộm vội được cháu Múi Bò, khi đó 5 tuổi. Về Việt Nam, chị ra xã, xin khai sinh cho con là Nguyễn Thị Linh. “Về Việt Nam được 2 năm, tôi gọi điện sang hỏi thăm thì thằng lớn nói bố đã mất vì bệnh.
Tôi bảo: “Các con có sang Việt Nam với mẹ không?”, thì nó hỏi lại: “Mẹ có sang bên này với chúng con không? Mẹ dẫn cả em sang đây ở với chúng con”.
Bố nó mất đi, thằng lớn đã tốt nghiệp đại học, đi làm việc ở ngân hàng thì còn cơ may kiếm được vợ, chứ thằng thứ hai đi bán hàng ở chợ, không biết có đủ tiền lấy vợ hay không, hay lại phải đi mua vợ như bố…”, chị Tâm sụt sùi.
Mặc dù cũng được hỗ trợ học nghề may, nghề thêu, giúp vay vốn chăn nuôi... nhưng cuối cùng, chị Tâm vẫn quay trở lại với nghề thuở nhỏ đã làm: “Mò cua, bắt ốc”. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hạ, chị lụi cụi dầm mình dưới nước từ sáng đến chiều để mò từng con trai, con hến bán lấy tiền đong gạo.
Gần đây, chị Tâm liên tục bị cơn đau ở dạ dày và ở ngực hành hạ. Đi siêu âm, chị được bác sĩ chẩn đoán là có một khối u, cần phải mổ gấp. Xoay dọc, xoay ngang tờ siêu âm, chị Tâm tần ngần: “Tôi cũng muốn đi mổ, nhưng ăn còn chẳng đủ thì đâu dám mơ có tiền chữa bệnh. Rồi còn phải để dành tiền sang thăm hai đứa con trai nữa chứ. Sẽ có ngày tôi đưa con em sang thăm chúng nó...”. Nói rồi, chị ôm mặt khóc.
Hội hoạt động trên nguyên tắc không vụ lợi, không vì mục đích chính trị, tôn giáo
Chỉ nhằm giúp mọi người biết được các hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam để giúp đỡ
Tel: (84-4) 6.2785649 - Mobile: 0904 679 583