• 13/02/2014 12:01:18 | 1097 lượt xem

Cụ già gần đất xa trời chăm chồng mù và hai đứa con tâm thần

Cũng một kiếp người…

Trong lúc chờ người con út của cụ Ngoi sống gần đó chạy sang, tôi mon men bước vào sát cửa. Trong ngôi nhà xây thô bị bỏ mặc đã lâu, tài sản đáng giá nhất có thể kể đến có lẽ là lá cờ Tổ quốc được treo ở vị trí trang trọng trong nhà, phía trên bàn thờ; ba chiếc giường cũ kê sát ba góc nhà dành cho 4 người, có giường không chiếu, không chăn, thậm chí lạch giường đã gãy lỗ chỗ. Ông Nguyễn Văn Học - con trai út của cụ Ngoi cho biết: Bố ông - cụ Nguyễn Văn Ngoi năm nay đã bước sang tuổi 83, bị mù gần bốn chục năm nay, hiện chỉ nằm một chỗ để chờ phục vụ ăn uống, vệ sinh. Cụ Vũ Thị Đỗ - mẹ ông 85 tuổi tuy còn đi lại được nhưng tai đã nghễnh ngãng và lừng còng gập xuống. Cụ Ngoi sinh hạ được 5 người con trai thì hiện đang sống chung với hai người con đầu là Nguyễn Văn Hùng (57 tuổi) và Nguyễn Văn Thi (55 tuổi), nhưng cả hai đều bị bệnh tâm thần từ hơn hai chục năm nay.

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Thi suốt ngày không nói lời nào, chỉ cười hềnh hệch

Chỉ vào hai người anh lơ ngơ ngồi góc nhà, ông Nguyễn Văn Học bùi ngùi: “Hai anh tôi vốn rất khỏe mạnh, hiền lành, làm ăn tháo vát. Vậy mà bỗng đâu, cả hai cùng bị “điên điên, khùng khùng”, làm khổ vợ con, cả nhà. Cũng là một kiếp người…”. Theo lời ông Học thì ông Nguyễn Văn Hùng từng là công nhân quốc phòng ở Kon Tum. Trước đây, ông đã từng có gia đình rất đầm ấm, vợ hiền, đảm đang và bốn đứa con gái xinh xắn. Bản thân ông cũng là người hiền lành, tốt tính, chỉ biết lo làm ăn, được dân làng Lái Đông quý mến. Nhưng từ khi mắc bệnh, chạy chữa khắp nơi không khỏi, vợ con ông bỏ vào Nam sinh sống.

 
Hơn hai chục năm nay, cụ Đỗ phải vất vả chăm sóc hai người con trai bị mắc bệnh tâm thần  

Ông Hùng có một thói quen kỳ lạ là ai cho đồ ăn, thức uống gì không bao giờ ăn ngay mà thường để thật lâu, cho tất cả vào nồi đun đi đun lại, đến bữa ăn chỉ lấy một thìa. Bà Lưu Thị Khảnh, cháu dâu cụ Ngoi, nhà gần đó, kể: Có ruột cá, người ta vất đi chú ấy cũng nhặt về, cho vào nồi đun kỹ. Mấy hôm trước, nhặt được con gà chết, chú ấy mang về, chả rửa ráy gì, để nguyên lông lá, ruột lòng cho vào nồi đun lên, ăn dần. Nồi thức ăn đặc biệt ấy, theo bà Khảnh, được ông Hùng cất kín trong buồng, quản chặt lắm, người nhà không ai vào được, chỉ đến bữa ăn mới mang ra ăn đúng một thìa. Trong buồng bí mật đó còn chứa rất nhiều chai, lọ, đồ cũ hỏng… mà ông Hùng nhặt nhạnh được ở ngoài đường.

Trái lại với việc làm kỳ bí và thói quen ăn uống lập dị của anh trai, từ khi mắc bệnh, gia đình có cạy răng, thậm chí đánh đập, ông Nguyễn Văn Thi cũng không nói một lời nào, chỉ cười hềnh hệch. Thời trai trẻ,, ông Thi từng đóng quân ở Kiến An, Hải Phòng, sau đó xuất ngũ về quê sinh sống, làm ăn. Cũng như ông Hùng, biết chồng bị bệnh, vợ ông đã bỏ chạy. Bà Khảnh kể: Chú Thi hay la cà đến các đám cưới, đám ma, được mọi người cho đồ ăn nhưng không bao giờ chú ấy mang về nhà mà giúi vào cành cây, ngóc ngách nào đó trên đường về. Muốn cho ông bà ăn miếng gì, cũng phải đứng canh, kẻo các chú ấy giành hết.

Cũng may, tuy có việc làm và hành động kỳ quặc, nhưng ông Hùng và ông Thi rất lành với người ngoài, không gây chuyện với ai bao giờ. Người dân thôn Lái Đông kể lại: Thời gian đầu mắc bệnh, đêm nào ông Hùng và Thi cũng hát quốc ca và những ca khúc cách mạng rộn ràng cả đêm sau, thỉnh thoảng lại gào rú, hô hoán, nay đã đỡ hơn nhiều.

Bà gù từng dắt ông mù đi xin ăn, nuôi con  

Về thôn Lái Đông, xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương hỏi thăm về cụ Ngoi không khó. Thời trai trẻ, cụ nổi tiếng là người hay chữ, hay thơ, theo cách mạng, chuyên đi đưa thư báo. Đến năm 1975, mắt cụ mờ dần rồi mù hẳn. Nhà đông con, để có tiền nuôi các con ăn học, cụ Đỗ đã dắt chồng đi ăn xin khắp chợ làng trên, xóm dưới. Thương ông bà lão hiền lành mà số phận hẩm hiu nên mọi người hay thương tình cho gạo, tiền, đồ ăn… Nhưng khoảng bốn năm trở lại đây, ông Ngoi không ngồi dậy được nữa, ăn, nằm, vệ sinh tại chỗ, cụ Đỗ cũng đã yếu, tai nghễnh ngãng, lưng đã còng gập xuống thì hai cụ mới chịu ở nhà.

Hiện hai cụ và hai người con sống nhờ suất trợ cấp xã hội được 180.000 đồng/người/tháng. Bà Khảnh - cháu dâu cụ ở kế bên ái ngại: Cụ Ngoi tuy còn 3 người con trai nữa, nhưng hai người đi lấy vợ xa và ở rể, cuộc sống cũng không dư dả gì; có nhà anh Học ở gần, nhưng anh ấy cũng đi làm thợ xây khắp chốn, cùng nơi, con cái đi làm, đi học cả nên cũng chẳng có ai thường xuyên đỡ đần. 83 tuổi,  hàng ngày cụ Đỗ vẫn phải lò dò đi chợ mua bán, cơm nước phục vụ chồng và hai con. Có hôm cụ đi chợ mua 5.000 cá vụn thì bốn người ăn cả ngày, có ngày có khi cả nhà chỉ ăn một bữa. Khổ nhất là cụ bà phải chăm cụ công, xúc được 3 thìa cơm thì 2 thìa rơi ra ngoài. Thương các cụ, anh em họ hàng và hàng xóm cũng giúp đỡ nhiều rồi, nhưng hoàn cảnh nhà cụ Ngoi như thế đã hàng chục năm nay rồi… nên sự qua lại cũng thưa dần.

Thấy có tiếng trò chuyện ở bên ngoài, cụ Ngoi lại tiếp tục gào lên: “Tôi đói rồi, cho tôi ăn đi”, “Hùng ơi, cho ông ăn”. Đáp lại lời ông, vẫn là những khuôn mặt vô cảm và ngồi đăm chiêu và ngơ ngác nhìn ra xa xăm. Xung quanh, xóm làng đang rộn ràng chuẩn bị bữa cơm chiều sum họp sau một ngày đi làm, đi học trở về.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về :

 
HỘI TỪ THIỆN XANH - QUỸ TỪ THIỆN XANH - THIỆN NGUYỆN XANH - CLB TỪ THIỆN XANH
Giấy phép hoạt động số 22/GXN-TTĐT - Bộ TT&TT Hà Nội, ngày 22/3/2012
Hội hoạt động trên nguyên tắc không vụ lợi, không vì mục đích chính trị, tôn giáo 
Chỉ nhằm giúp mọi người biết được các hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam để giúp đỡ
Ban Quản Trị không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên 
Địa chỉ: 102 H50 Ngõ 41/27 Phố Vọng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội 
Tel: (84-4) 6.2785649 - Mobile: 0904 679 583
Email: vietgreencharity@gmail.com | tuthienxanh@gmail.com
Website: www.vietgreencharity.com | www.tuthienxanh.com
Hoặc liên hệ với gia đình ông Nguyễn Văn Học- con cụ Ngoi: Đội 13, thôn Lái Đông, xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. ĐT: 097.359.6411.

Các bài viết khác

BACK TO TOP