• 13/11/2013 10:32:59 | 975 lượt xem

Nỗi đau tột cùng của người bố đang mất đi từng đứa con

(Dân Trí) – Năm lần sinh con thì đến ba lần người bố ấy phải chứng kiến cảnh các con “ra đi” vì bệnh tật. Đến nay đã ở cái tuổi “toan về già”, bác lại tiếp tục phải lọ mọ ngày đêm lên chăm hai đứa còn lại ở bệnh viện vì căn bệnh hiểm nghèo.

Vào bệnh viện những ngày mưa thường cho mọi người cái cảm giác ẩm ướt và khó thở nhưng với người đàn ông dân tộc Hoàng Văn Mao (trú tại thôn Mòng, xã Xa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) thì lại càng trở nên nặng nề, khi ông đang phải chăm nuôi hai con trai một lúc. Gương mặt khắc khổ, đăm chiêu cả ngày chỉ cúi gằm xuống đất và đôi bàn tay gầy guộc, chằng chịt gân xanh cứ bám chắc lấy thành ghế như sợ bị đổ. Chốc chốc có người đi qua hỏi han tình hình bệnh của các con, nước mắt bác lại túa ra trên đôi mắt đỏ quạch vì nhiều đêm mất ngủ. Người đàn ông ấy đã khóc, khóc thật và khóc nấc lên trước sự chứng kiến của nhiều bệnh nhân khác ở khoa Huyết học của Viện huyết học và truyền máu Trung ương.

Nỗi đau tột cùng của người bố đang mất đi từng đứa con
Căn bệnh huyết tán khiến ba con của bác Mao lần lượt qua đời, hai người con trai  còn lại đang trong tình trạng nguy kịch.
(Ảnh Lê Nhung)

Giọng khàn đặc, bác kể: “Tôi không dám so sánh bản thân mình với ai đâu, đặc biệt là những nỗi đau và sự mất mát mà mình đã trải qua. Nhưng bây giờ ngồi đây, ở bệnh viện này, tôi không chịu được cảm giác khi nhớ lại giây phút 3 đứa con trước của tôi đã chết ra sao. Chúng đau đớn, vật vã và ánh mắt như cầu cứu tôi nhưng tôi bất lực, tôi sợ, sợ lắm”.

Nói rồi bác lại lau nước mắt nhưng cái chỗ để “bấu víu” hữu hiệu nhất trong lúc này không phải là một chiếc khăn mà là vạt áo đã rách bươn, cũ mủn. Những tiếng nấc nghẹn lại bắt đầu nhiều hơn, dồn dập hơn khi kí ức ùa về: “Hai vợ chồng tôi sinh cháu đầu tiên là Hoàng Văn Quyết năm 1978 thì đến năm 1982 nó “bỏ đi” mất. Ngày đấy cứ thấy con xanh xao, vàng vọt, nôn ói rồi cứ thế là lịm dần, lịm dần mãi chứ có biết bệnh gì đâu. Đến đứa thứ hai là Hoàng Văn Nơi nó cũng chỉ ở với bố mẹ vẻn vẹn 2 năm rồi cũng mất. Ngày nó đi, bà nhà tôi cứ ôm chặt con mà khóc vật vã, không cho mọi người làm ma cho nó, tôi cũng đau đớn đến lịm người chẳng còn biết gì nữa. Đứa thứ 3 nhà tôi sinh năm 1986, chúng tôi sợ con ma lại bắt nó đi mất như hai anh nên không đặt tên mà gọi nó là “Em bé” nhưng rồi cũng không thay đổi được gì cả. Nó ở với bố mẹ được 2 năm thì cũng đi nốt theo hai anh của nó”.

 

Nỗi đau tột cùng của người bố đang mất đi từng đứa con
Đối diện với sự sống, chết của con, người bố dân tộc Sán Chỉ chỉ biết ngậm ngùi vì gia cảnh quá nghèo túng.
(Ảnh Lê Nhung)

Nói rồi, bác lại ngồi lặng im, mặt cúi xuống và những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên gò má. 15 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau mất con quá lớn khiến người cha này dường như chưa có giây phút nào nguôi ngoai. Và càng ân hận hơn khi đến tận sau này hai người con tiếp của bác là Hoàng Văn Nhàn và Hoàng Văn Kèm đồng thời phát bệnh bác mới biết các con của mình mang chung căn bệnh di truyền huyết tán.

Là người dân tộc Sán Chỉ, quanh năm chỉ có 5 sào ruộng làm vốn liếng bám trụ để có cái ăn, việc đồng thời hai người con phải đến viện là quá sức với vợ chồng nghèo. Từ nhỏ nuôi con, Nhàn và Kèm đã không được khỏe mạnh như chúng bạn nhưng gần như không có dấu hiệu gì bất thường khác. Tuy nhiên cái đói, cái nghèo bủa vây khiến cả hai anh em không ai được học hết lớp 4 mà sớm về phụ giúp bố mẹ làm nương, làm rẫy. Năm 2008 vì muốn bố mẹ an tâm lúc về già, anh Nhàn lấy vợ rồi sinh hai cháu Hoàng Huy Hoàng (4 tuổi) và Hoàng Huy Giáp (3 tuổi), tuy nhiên cả hai đứa cũng đang trong diện phải đi làm xét nghiệm và theo dõi vì bố phát bệnh phải đi cấp cứu ở bệnh viện.

Đưa con đến Viện huyết học và truyền máu TW trong tình trạng suy gan, suy thận cấp, bản thân bác Mao không hiểu chuyện gì cho đến khi được các bác sĩ giải thích về căn bệnh di truyền này. Đến lúc này bác mới thực sự hiểu chuyện và nỗi day dứt, ân hận càng tăng lên gấp bội bởi: “Vì tôi sinh ra chúng để chúng bị bệnh như thế, là lỗi do tôi mà bấy lâu nay tôi không hề hay biết gì cả” – bác Mao tâm sự.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (Phó Khoa Huyết học của Viện huyết học và truyền máu TW) được biết: “Hoàn cảnh của gia đình bác Mao khiến chúng tôi cũng rất khó nghĩ. Bản thân là người dân tộc, phải công nhận dân trí của người ta không được như người Kinh, đặc biệt căn bệnh huyết tán không phải ai cũng nắm được để mà phòng tránh hoặc có biện pháp xử lí kịp thời.

 

Nỗi đau tột cùng của người bố đang mất đi từng đứa con
Đã 2 lần xin các con về nhà "chịu chết" trái tim người bố đau như có trăm nghìn mũi dao cứu sâu vào.
(Ảnh Lê Nhung)

 

Ở bệnh viện đã 2 lần bác xin con về nhà chịu chết vì không có tiền chữa tiếp nhưng chúng tôi động viên cho ở lại vì với tình hình bệnh của hai anh nếu về nhà mà không có sự can thiệp gì cả thì khó giữ được mạng sống. Bản thân bác Mao rất thương và lo lắng cho các con, có những ngày bác phải tìm gặp chúng tôi mấy lần để hỏi đi hỏi lại rằng các con có sống được không khiến chúng tôi cũng rất xúc động. Tuy nhiên để tiếp tục chữa trị cho hai con, gia đình vẫn phải chuẩn bị kinh phí nhất định ngoài số tiền bảo hiểm đã chi trả cho mà điều này với gia đình bác là quá sức nên đó là điều mà tôi cũng rất suy nghĩ”.

Biết được bệnh tình của hai con, bản thân bác Mao càng lo sợ bởi căn bệnh hiểm nghèo phải chữa lâu dài và duy trì thường xuyên ở bệnh viện. Và cả hai đứa cháu thơ ở nhà, thật lòng bác không dám nghĩ đến nếu trong trường hợp chúng cũng mắc bệnh. Đói nghèo, thiếu thốn và bệnh tật, tất cả như bủa vây lấy người đàn ông tội nghiệp khiến bác cứ thất thần ngồi đó mà mong chờ một tia hi vọng dẫu mong manh, le lói.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1.Mã số 1202: Bác Hoàng Văn Mao (trú tại thôn Mòng, xã Xa Lý, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang)

Số ĐT: 0945.856.400

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã)

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email:quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

 

Phạm Oanh

Các bài viết khác

BACK TO TOP