- 27/11/2013 14:47:07 | 1453 lượt xem
Bà giáo của trẻ em nghèo
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp bà Hoa ở khu phố Giãn Dân, phường Long Bình, quận 9, là khuôn mặt phúc hậu và nụ cười hiền từ. Năm 1999, người phụ nữ bình dị này đã đứng ra mở một lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ở đây.
Bà Hoa từng là một giáo viên tiểu học, phải nghỉ hưu non vì mắc bệnh hiểm nghèo. Khu phố Giãn Dân, nơi bà sinh sống vào những năm cuối của thập niên 90, từng là một vùng hoang vu, sình lầy nước ngập, có đông lao động nghèo và trẻ em mù chữ. Một lần tình cờ bà Hoa nghe được tâm sự của hai người mẹ: “Nhà mình nghèo, không có tiền cho con đi học. Đợi mấy đứa sinh viên mùa hè xanh về, con mình mới biết được dăm ba cái chữ. Giờ chúng đi rồi, sắp nhỏ lại thất học, lại mù chữ như xưa, thiệt khổ!”. Nghe xong những lời thở than của hai người mẹ nghèo, lại ngày ngày nhìn thấy cảnh những đứa trẻ phải lang thang, móc bọc, lượm bao, nhiều đứa còn gây gổ đánh lộn nhau, bà thấy sống mũi cay cay. Thương lũ nhỏ, thương cả cha mẹ chúng, bà tâm sự với chồng và bày tỏ ước muốn mở được một lớp học tình thương cho các em.
Ban đầu, lớp học của bà Hoa chỉ là một mái tranh xiêu vẹo. Bàn học của trò là những chiếc ghế đơn do bà vận động người dân trong khu phố đóng góp. Dựng xong lớp, bà Hoa lặn lội vượt qua các bãi sình lầy, hoang vu xuống tận từng nhà, gõ cửa từng phòng trọ vận động các em đi học. Học trò của bà chủ yếu là những trẻ em nghèo từ 7 đến 16 tuổi, phải phụ gia đình lao động từ nhỏ. Đôi tay các em đã cứng nay mới được đi học, phải luyện chữ nên cảm thấy rất khó khăn. Nhiều em học trước quên sau dẫn đến tâm lý chán nản, mặc cảm nên chỉ muốn bỏ học.
Bà Hoa không la mắng mà kiên trì dạy lại từ đầu. Những học trò còn yếu, bà cầm tay chỉ dạy từng nét để các em theo kịp các bạn trong lớp. Nhờ tình thương và sự tận tâm của bà Hoa, học trò tới lớp ngày càng đông. Mái tranh xiêu vẹo ngày nào, giờ đã là một lớp học khang trang, đầy đủ dụng cụ học tập, có cả sân chơi cho trẻ em. Lớp học xóa mù chữ cách đây hơn chục năm giờ là lớp học phổ cập của phường Long Bình.
Đến lớp học của bà Hoa vào một buổi chiều đầu năm, chúng tôi ghi nhận tất cả học trò của bà đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Cha mẹ các em đều từ các tỉnh miền Tây lên thành phố kiếm sống, làm công nhân, bán vé số, rửa chén bát thuê... Có em không có mẹ, có em cha mẹ bệnh tật, có em không có cha mẹ phải ở nhờ bà con... nhưng tất cả đều tụ về đây bằng tình thương và sự chỉ dạy hết mình của bà Hoa - người mà lũ học trò yêu thương như người bà của chúng. Trong giờ nghỉ giải lao, em Huy,13 tuổi, học sinh khối lớp hai khoe với chúng tôi: “Cô giáo thương tụi con lắm, tụi con đi học không phải đóng tiền. Cô còn cho tụi con cả quần áo, sách vở nữa đó”. Ngồi bên cạnh, em Đa nhìn về phía những chiếc nón kết treo ngay ngắn trên tường tiếp lời, nón này cô giáo cũng cho tụi con đó. Bóng chiều đã đổ xuống từng vệt dài bên ô cửa sổ, ngoài đường khói bụi bay vẩn lên từng đợt, bên trong lớp học tình thương bà Hoa và lũ học trò vẫn cùng nhau say sưa bên bài học mới.
Hơn chục năm, mải miết bên trang giáo án tiếp sức cho học trò nghèo, nay sức khỏe đã giảm, bà Hoa vẫn đều đặn ngày hai buổi lên lớp. Buổi sáng bà dạy khối lớp một gồm 30 học trò, buổi chiều dạy khối lớp hai gồm 18 học trò. Ngoài giờ dạy, bà Hoa còn tích cực tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, vận động các nhà hảo tâm tiếp sức cho các em đến trường... Với tinh thần hết mình vì học trò nghèo, bà Đặng Thị Hoa nhiều năm liền nhận được giấy khen của Hội khuyến học quận 9, Hội khuyến học thành phố và Kỷ niệm chương của Hội khuyến học Việt Nam
(Trích nguồn: http://tuthien.vn)