• 14/11/2013 08:35:09 | 901 lượt xem

Chiếc ghe “mơ ước” đã đến với “hiệp sĩ” từng cứu gần 200 người trên sông

(Dân trí) – Trưa 4/10, chiếc ghe đúc bằng nhựa dài 7,9m ngang 1,2m đã được Trưởng đại diện VPPN Báo điện tử Dân trí thay mặt nhà tài trợ tận tay trao cho ông Ba Chúc, người được mệnh danh như “hiệp sĩ” trên sông với thành tích cứu sống gần 200 người.

Trưởng đại diện VPPN Báo điện tử Dân trí thay mặt nhà tài trợ trao ghe cho ông Ba Chúc
Trưởng đại diện VPPN Báo điện tử Dân trí thay mặt nhà tài trợ trao ghe cho ông Ba Chúc

13h chiều 4/10, xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh) trở nên nhộp nhịp hơn bởi tiếng động cơ nổ giòn giã, chiếc ghe còn mùi nhựa mới nhẹ nhàng lướt sóng, vút đi trên sông.

Ngồi cầm lái chiếc ghe ấy không phải ai khác, đó chính là ông Nguyễn Văn Chúc (56 tuổi, tên thường gọi Ba Chúc), nước da đen sạm, khắc khổ nhưng ông Ba Chúc không dấu được sự vui sướng khi ngồi trên chiếc ghe mới vừa được trao tặng, bởi đó vốn là ước mơ ấp ủ từ lâu của ngư dân này.

 

Nếu trước đây, điều khiến vợ chồng “hiệp sĩ” trên sông không ngừng day dứt là những lần thấy người bị nạn mà không kịp ứng cứu. Nguyên nhân chính của nỗi day dứt này được ông Ba Chúc tâm sự là do chiếc thuyền ghép bằng gỗ của ông đã quá cũ kỹ, già nua, không còn thích hợp với sống nước hiện nay nữa. Dù muốn lao nhanh đến chỗ người bị nạn nhưng chiếc ghe cứ ì ra, không lướt đi được nên đành gậm ngùi nhìn họ vũng vẫy, chìm nghỉm.

Thì nay, chiếc ghe “mơ ước” đã đến được với “hiệp sĩ” trên sông. Đây là sự chia sẻ, đóng góp của Công ty XNK Tổng hợp Hà Nội (Số 36 phố Hoàng Cầu – Hà Nội) ủng hộ 20 triệu đồng và một phần (3,8 triệu đồng) từ Quỹ Nhân ái Báo điện tử Dân trí.

“Hy vọng rằng với sự ủng hộ, trợ giúp về vật chất và tinh thần của mọi người, tôi sẽ phát huy hết được tác dụng của chiếc ghe mới, kịp thời ứng cứu những người bị nạn bằng hết khả năng của mình” – Ông Ba Chúc khẳng định.

 

Chạy thử chiếc ghe mới chưa chạy hết một vòng cầu Bình Lợi, ông Ba Chúc đã nhận được sự cầu cứu một gia đình, nhờ tìm xác người thân (52 tuổi) nhảy cầu Bình Triệu 1 (nối quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức) tự tử vào sáng 3/10. Không phút ngần ngại, ông Ba Chúc vội vã chia tay chúng tôi, nổ máy ghe ngược dòng tìm kiếm người mất tích.

 

“Ông ấy là vậy,  cứ nghe thấy có ai cầu cứu là chạy đi ngay, cơm nước đã kịp ăn đâu. Kể cả ban đêm cũng vậy. Ban đầu tôi rất lo lắng, nhưng làm vợ ông ấy cũng mấy chục năm rồi nên đã quen và ủng hộ việc làm này. Chỉ mong sao sớm đưa được người bị nạn lên bờ cho họ ấm cúng” – Bà Nguyễn Thị Hinh (vợ ông Chúc) tâm sự.

Trung Kiên - Trọng Nghĩa

Các bài viết khác

BACK TO TOP