• 14/02/2014 09:39:53 | 1328 lượt xem

Cuộc đời buồn khổ của "chàng Méo" mê nhạc Trịnh

Trời mưa giăng giăng, những chiếc áo mưa đủ màu hối hả trên đường trở về với bữa cơm chiều. Trên vỉa hè đường Quang Trung gần chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), một bóng người vẫn lầm lũi cầm xấp vé số trên tay mời mọc. Có người lạnh lùng quay đi, có người nhìn khuôn mặt, đôi tay của anh, ái ngại rồi mua giúp.
 
Trời mưa gió, anh Tuấn vẫn tranh thủ bán vé số
Trời mưa gió, anh Tuấn vẫn tranh thủ bán vé số
 
Khuôn mặt méo xệch về bên phải, còn đôi tay chi chít những u những cục. Năm 1980, anh Hoàng Thanh Tuấn sinh ra ở một vùng quê nghèo tỉnh Quảng Bình. Từ lúc mới sinh, anh có một cục u nhỏ nổi bên cạnh má, không ngờ nó lớn dần, làm khuôn mặt của anh trở nên dị dạng. Anh Tuấn ngày càng tự ti, nhất là khi những đứa trẻ ở quê cứ gọi anh là chàng “Méo”.

Dù khó khăn, gia đình cũng cố gắng đưa anh đi chạy chữa khắp nơi. Đến BV Chợ Rẫy, Viện Răng Hàm Mặt, BV Ung Bướu TPHCM… anh Tuấn trải qua 3 lần phẫu thuật nhưng không giải quyết được, vì đó là khối “u máu”, “u xơ thần kinh” nên không thể cắt bỏ hoàn toàn. Khắp người anh Tuấn, các khối u khác cũng đua nhau mọc lên chi chít.

Là anh cả trong gia đình có 4 anh em nơi vùng quê đất cày lên sỏi đá, anh Tuấn quyết định đem hình hài dị dạng vào Nam kiếm sống và hi vọng có tiền chữa bệnh. Khi thì bán vé số, lúc thì đi phụ hồ, anh lang bạt khắp TPHCM. Nhưng “đã nghèo còn mắc eo”, tháng 8/2013, anh bị tai nạn lao động.

Cú trượt ngã đập vào cục u ở hông, sưng tấy lên, rồi vỡ ra chảy máu, phải nằm viện 2 tháng. Vết thương chưa lành, anh vội xin xuất viện cho đỡ tốn kém… Mấy năm nay, mắt anh mờ dần, chưa rõ nguyên nhân. Do đó, anh không đủ sức khỏe để phụ hồ, lại lang thang đi bán vé số.  
 
Cuối ngày, anh Tuấn lủi thủi trở về gian phòng trọ ọp ẹp trong hẻm đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp
Cuối ngày, anh Tuấn lủi thủi trở về gian phòng trọ ọp ẹp trong hẻm đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp
 
Trong phòng chỉ có manh chiếu để ngả lưng, không tủ, không bàn ghế.
Trong phòng chỉ có manh chiếu để ngả lưng, không tủ, không bàn ghế.

Trong góc phòng là chiếc bao đựng dụng cụ thợ hồ, anh Tuấn mong chờ khi nào khỏe lại sẽ tiếp tục đi làm. Anh chia sẻ: “Đi bán vé số hay bị nắng mưa, cái hông tôi đau lắm vì vết thương chưa lành mà phải đi lại nhiều. Ngại nhất là ánh mắt mọi người nhìn tôi… Phụ hồ cũng cực nhưng tiền công cao hơn một chút”.

Nhưng anh Tuấn nào biết, cơ hội trở lại với nghề phụ hồ không còn, vì thể trạng yếu và mắt anh bị mờ. Anh Nguyễn Đăng Khoa, ở quận Tân Phú, là chủ thầu của anh Tuấn trong nhiều năm cho biết:

“Tôi quen Tuấn từ năm 1997, là đồng hương với nhau và thương hoàn cảnh của anh ấy nên tôi nhận Tuấn vào làm. Mặc dù sức lực của Tuấn không bằng một lao động nữ nhưng tôi vẫn châm chước, trả công cho anh ấy từ 150 – 180 ngàn đồng/ngày. Từ sau tai nạn, tôi không dám nhận anh ấy vào làm nữa vì sợ lại xảy ra sự cố thì khổ.

Ngày trước, trên người Tuấn đã có nhiều khối u rồi, đến giờ đã tăng gấp đôi khiến anh ấy ngứa ngáy, khó chịu, nhất là những hôm trời nắng. Tính tình của Tuấn hiền lành, chịu khó làm việc nhưng nhiều người làm cùng do không rõ bệnh tình của Tuấn, thường tỏ ra e dè. Tuy không ai nói ra nhưng ánh mắt, cử chỉ của họ thể hiện điều ấy, khiến cho Tuấn buồn nhiều.

Tôi cũng mong có cơ quan từ thiện nào giúp đỡ anh ấy có tiền chữa bệnh, chí ít là tìm hiểu được lý do vì sao mắt ngày càng mờ và ngăn chặn kịp thời. Gia đình Tuấn ở quê nghèo lắm, mấy đứa em làm công nhân, không hỗ trợ được gì đâu”.
 
Bọc thuốc của anh Tuấn chỉ còn vài viên để cầm cự với bệnh tật
Bọc thuốc của anh Tuấn chỉ còn vài viên để cầm cự với bệnh tật
 
Mắt mờ không phải là biến chứng của bệnh u sợi thần kinh nhưng cuộc sống phiêu bạt chỉ có thể giúp anh Tuấn kiếm ăn qua ngày, đâu có dư đồng nào để đi khám bệnh. Qua khuôn miệng méo xệch, chất giọng Quảng Bình trở nên ngọng nghịu, khó nghe: “Các em khuyên tôi về quê, nhưng không lẽ lại về để trở thành gánh nặng cho cha mẹ già? Nhà mới bị tốc mái vì hai cơn bão liên tiếp vừa qua, nghe biết vậy thôi chứ tôi cũng chẳng giúp được gì”.
 
Tiếng mưa ầm ĩ trên mái tôn hòa cùng tiếng nhạc phát ra từ chiếc đầu đĩa cũ kỹ - “người bạn” duy nhất mỗi khi anh trở về phòng trọ. “Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn, Xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng, Và ước mơ sao trời đừng bão tố…” - "Lệ đá", "Một cõi đi về", "Tôi ơi đừng tuyệt vọng", ... những là bài hát anh Hoàng Thanh Tuấn thích nhất. Đói nghèo, bệnh tật, cô đơn… bấy nhiêu nỗi khổ của đời người, anh đều gánh chịu. Chỉ có những giai điệu trữ tình của Trịnh Công Sơn xoa dịu tâm hồn người đàn ông bất hạnh trong gian nhà trọ ẩm thấp này.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Anh Hoàng Thanh Tuấn: 220/6C khu phố Đông Tác, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (đây là địa chỉ của chị Hoàng Thị Bích Hồng, em gái anh Tuấn. Anh Tuấn ở trọ trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp nhưng chỗ ở không cố định).
 
Điện thoại: 0936 .286.863 (anh Tuấn), 01627.258.158 (chị Hồng)
Hoặc
HỘI TỪ THIỆN XANH - QUỸ TỪ THIỆN XANH - THIỆN NGUYỆN XANH - CLB TỪ THIỆN XANH
Giấy phép hoạt động số 22/GXN-TTĐT - Bộ TT&TT Hà Nội, ngày 22/3/2012
Hội hoạt động trên nguyên tắc không vụ lợi, không vì mục đích chính trị, tôn giáo 
Chỉ nhằm giúp mọi người biết được các hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam để giúp đỡ
Ban Quản Trị không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên 
Địa chỉ: 102 H50 Ngõ 41/27 Phố Vọng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội 
Tel: (84-4) 6.2785649 - Mobile: 0904 679 583
Email: vietgreencharity@gmail.com | tuthienxanh@gmail.com 
Website: www.vietgreencharity.com | www.tuthienxanh.com

Các bài viết khác

BACK TO TOP