- 14/11/2013 11:07:24 | 984 lượt xem
Nỗi day dứt của “hiệp sĩ” cứu gần 200 người trên sông Sài Gòn
(Dân trí) - Thấy bóng người rơi xuống, ông Ba Chúc bật dậy nổ máy ghe lao đến hiện trường. Chiếc ghe gỗ già nua, ì ạch vượt sóng, dù vặn hết ga nhưng ông vẫn không kịp tiếp cận. Hình ảnh nạn nhân bị dòng nước nhấn chìm cứ đeo bám mãi người đàn ông này.
Khắc tinh của “Hà bá”
Gần 40 năm neo ghe trên dòng sông Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Chúc (56 tuổi, tên thường gọi Ba Chúc) được xóm chài biết đến như khắc tinh của “thần chết”. Ông đã giành giật với “Hà bá” để giữ lại sự sống cho gần 200 người rơi xuống sông và vớt hàng trăm xác chết trôi dạt để thân nhân của họ có cơ hội nhận dạng, đưa về mai táng.
Chiếc ghe gỗ rộng khoảng 4m2 là nơi ở của ông Ba Chúc và bà Nguyễn Thị Hinh (54 tuổi, vợ ông Chúc) sinh sống. Cả hai ông bà đều là người miền Bắc nhưng lại sống cuộc đời lênh đênh trên ghe như những ngư dân Nam bộ đã gần hết một đời người. Từ năm 8 tuổi, ông Ba Chúc đã theo cha đến khu vực bến Bình Lợi (nối quận Bình Thạnh và Thủ Đức) neo đậu, làm nghề chài lưới.
Sông Sài Gòn nơi cầu Bình Lợi đã có trên 100 tuổi bắc ngang có lòng sông rộng và rất sâu. Từ nhiều năm về trước, cầu Bình Lợi là nơi nổi tiếng về những rủi ro và cũng là nơi để nhiều người tìm đến cái chết. Từ lúc còn thơ đến khi tóc đã hoa râm, vợ chồng ông Ba Chúc từng chứng kiến biết bao biến động, đẫm nước mắt trên dòng sông này. Những mảnh đời có hoàn cảnh éo le, đáng thương đã tìm đến nơi này gieo mình xuống dòng nước để kết thúc mọi bi kịch.
Dù những người rơi xuống sông là rủi ro hay cố tình, vợ chồng ông Ba Chúc vẫn ngày đêm quyết không để thủy thần cướp đi sinh mạng của những phận đời bất hạnh.
“Mình thấy người ta rơi xuống thì việc cần thiết nhất là cứu sống họ. Sau đó, sẽ hỏi cụ thể nguyên nhân ra làm sao. Có vài lần tôi chạy ra đến nơi thì nạn nhân đã chìm mất, lặn mò mãi mà vẫn không thấy, tôi rảo ghe cả đêm chỉ mòng giữ lại được xác của người xấu số” – Ông Ba Chúc tâm sự.
Chiếc ghe gỗ cũ kỹ, rách nát này đã theo "hiệp sĩ" trên sông hơn 40 năm qua
Trong quãng thời gian neo ghe trên dòng sông Sài Gòn, ông Ba Chúc được xem như khắc tinh của “Hà bá”. Từ ngày ông sinh sống trên ghe đến nay, không ghi chép cụ thể các trường hợp nhưng nhẩm lại tính trung bình mỗi năm có khoảng 5 trường hợp được ông cứu sống. Như vậy, gần 40 năm, ông đã đem lại sự sống cho gần 200 con người. Có người sau khi được cứu sống đã nhận vợ chồng ông là cha mẹ nuôi, có người mang trà thuốc cảm tạ ơn cứu mạng.
Khi được hỏi về động lực nào để ông gắn bó với công việc “cướp cơm Hà bá” suốt mấy chục năm qua, ông Ba Chúc mỉm cười cho biết ông làm việc này xuất phát từ cái tâm, người được cứu không phải tốn cho ông một đồng nào dù đó là nghĩa cử tạ ơn. “Làm sao mà nhận được? Người ta tìm đến cái chết là lâm vào ngõ cụt. Hãy để lòng thanh thản hãy để phúc đức lại cho con cháu. Thế cho nên tôi rất thoải mái, dù rất nghèo” – Ông Chúc tâm sự.
Nỗi day dứt của “hiệp sĩ” trên sông
Chuyện vợ chồng ông Ba Chúc cứu người trên sông không còn là chuyện lạ. Ở đoạn sông này ai cũng biết và thầm phục cách sống của ông bà. Dù là đêm hay ngày, dù là mưa gió hay nắng gắt hễ có tin có người rơi xuống sông là đôi vợ chồng già không ngần ngại, tức tốc đi ngay.
Ông Ba Chúc nhớ lại một đêm cuối tháng 4/2013, nghe tiếng kêu cứu từ cầu Bình Lợi vọng lại, vợ chồng ông liền nổ máy ghe chạy ngay đến đến chỗ có người cầu cứu, phát hiện được nạn nhân, ông Ba Chúc vồ sợi dây thừng ở mũi ghe cột chặt một đầu vào tay rồi lao mình xuống nước. Chỉ bằng vài động tắc ngọn nhẹ, ông đã giữ được cô gái rồi lần theo sợi dây thừng bơi vào.
Sau đó, bà Hinh làm đủ các động tác sơ cứu. Cô gái tỉnh lại, trước mắt ông bà, một cô gái khoảng 25 tuổi rất đẹp. Bà hỏi sơ qua lý do tìm đến cái chết, cô gái nức nở cho biết từ Vũng Tàu lên đây học nghề rồi yêu. Tình duyên trắc trở nên muốn kết liễu cuộc đời. Không thiết sống nhưng sau khi được cứu cô mới thấy được giá trị của sự sống. Cả ông bà cũng đã tìm lời khuyên giải, động viên và cô gái đã lấy lại được niềm tin, hứa với ân nhân sẽ không làm điều gì dại dột nữa.
Gần đây nhất, vào đêm 18/9, nghe tiếng tri hô có người nhảy cầu, lập tức vợ chồng ông Ba Chúc nổ máy ghe lao ngay đến hiện trường. Chiếc ghe gỗ già nua, ì ạch vượt sóng, dù vặn hết ga nhưng ông vẫn không kịp tiếp cận. Nạn nhân chới với rồi bị dòng nước chảy xiết nhấn chìm, suốt đêm ấy vợ chồng ông không thể chợp mắt, nỗi day dứt vì không thể đến kịp giúp người bị nạn cứ đeo bám cặp chồng ngư dân này.
Hai ngày sau, ông Ba Chúc được một bạn chài thông báo có xác người nổi lên cách cầu Bình Lợi khoảng 200m, lập tức ông Chúc đến nơi, cột xác nạn nhân đưa vào bờ rồi trình báo cơ quan công an địa phương. Buồn hơn, khi ông Chúc nhận ra xác chết này chính là người mà ông không kịp cứu 2 đêm trước đó.
Điều khiến vợ chồng “hiệp sĩ” trên sông không ngừng day dứt là những lần thấy người bị nạn mà không kịp ứng cứu. Nguyên nhân chính của nỗi day dứt này được ông Ba Chúc tâm sự là do chiếc thuyền ghép bằng gỗ của ông đã quá cũ kỹ. “Chiếc ghe này từ đời ông già tôi để lại, sử dụng cũng đã được hơn 40 năm, nó quá già nua không còn thích hợp với sống nước hiện nay nữa. Dù lòng tôi muốn lao nhanh đến chỗ người bị nạn nhưng chiếc ghe cứ ì ra, không lướt đi được nên đành gậm ngùi nhìn họ vũng vẫy, chìm nghỉm” – Ông Chúc chua xót.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1173: Ông Nguyễn Văn Chúc (thường gọi Ba Chúc, 56 tuổi) – Ngư dân xóm chài dưới chân cầu Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM. ĐT: 0909.850.546 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
|
Trung Kiên