- 13/11/2013 15:44:53 | 1061 lượt xem
Lời cầu cứu của cô sinh viên tật nguyền chăm mẹ ung thư
(Dân trí)-Đang học năm thứ 3 trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, cô bé dân tộc Tày, Lý Thị Thiều mắc chứng bệnh viêm đa khớp dạng thấp dẫn đến liệt hoàn toàn. Càng đau đớn hơn khi gần đây mẹ của em phát hiện bị ung thư vòm họng nhưng bất lực vì không có tiền.
Không có ai để bấu víu hay dựa vào, theo sự hướng dẫn của một người bạn, cô bé Lý Thị Thiều đã nhờ người đưa xuống tận Hà Nội để đến cầu cứu báo điện tử Dân trí. Đôi tay gầy, trơ xương và cong vẹo, khó khăn lắm em mới cầm được lá đơn và các giấy tờ chứng nhận của mình gửi cho chúng tôi. Gương mặt buồn, giọng như sắp bật khóc, Thiều cho biết: “Em không còn cách nào cả nên mới lên đến tận đây nhờ anh chị giúp đỡ, em bệnh như thế này cũng đã 2 năm rồi, giờ lại đến lượt mẹ của em nữa. Em sợ mẹ không có tiền đi chữa bệnh sẽ chết mất chị ạ”.
Sinh ra ở khu vực miền núi nghèo, hẻo lánh tại thôn Cọn Luông, xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, từ nhỏ cô bé dân tộc Tày, Lý Thị Thiều đã mơ ước lớn lên được làm cô giáo đứng trên bục giảng để dạy môn ngoại ngữ cho các em học sinh. Nhớ lại những ngày đó, đôi mắt em đỏ hoe, thật thà kể: “Quê em nghèo nên ít bạn được đi học lắm, các môn văn hóa bình thường như Văn, Toán chúng em còn biết chứ môn ngoại ngữ như Tiếng Anh thì ít biết đến lắm ạ. Thỉnh thoảng trong thôn, nếu ai đó mà nói một từ tiếng nước ngoài là lại xôn xao cả lên vì không ai biết cả. Vì thế nên em rất mong muốn mình được làm cô giáo dạy ngoại ngữ cho học sinh miền núi như em”.
Nói rồi Thiều lại cúi mặt khóc, em nhớ lại khoảng thời gian bụng đói cồn cào vì không có cái ăn nhưng vẫn quyết tâm đi bộ vượt suối đến trường vì muốn trở thành cô giáo. Rồi cái ước mơ ấy cũng thành sự thật khi em thi đỗ vào khoa Sư phạm ngoại ngữ của trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc và sự hãnh diện của cô bé dân tộc Tày đỗ đại học cũng hòa trong sự lo lắng, niềm xót xa bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Tủi thân Thiều kể: “Ngày tiễn em đi nhập trường, mẹ cứ ôm em khóc mãi vì không cho con được cái gì. Người dân trong làng gom góp cho em được ít gạo và một ít tiền để em mang lên trường”.
Thời gian theo học trường ĐH sư phạm Thái Nguyên, cô bé Thiều mong từng ngày ra trường để đi làm đỡ đần mẹ, nhưng đùng một cái em có dấu hiệu chân tay tê mỏi rồi dần dần không cử động được nữa. Đi khám bác sĩ cho biết Thiều bị chứng bệnh viêm đa khớp dạng thấp phải điều trị lâu dài. Tính đến nay, em đã 8 lần lên bệnh viện Bạch Mai thăm khám và chữa trị, tuy nhiên vì bệnh hiểm nghèo nên chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Việc học hành theo đó cũng dở dang, cô bé dân tộc Tày đành làm đơn xin bảo lưu kết quả để tiếp tục chữa bệnh rồi quay trở lại trường học tiếp.
Gần hết thời hạn 2 năm bảo lưu và phải quay lại trường học, đôi chân của Thiều vẫn không thể đi lại được và ngày càng trở nên teo tóp, yếu ớt như chực gãy. Càng bi đát hơn khi thời gian qua mẹ của em phát hiện ung thư vòm họng, nhưng không có tiền lên tuyến trên điều trị nên đành nằm ở nhà “chờ chết”.
Giọng khẩn khoản, Thiều nói với tôi: “Mẹ em đau đớn lắm chị ạ, hàng ngày mẹ cũng không ăn được gì cả, cái u ở họng thì ngày một to lên, em sợ mẹ sẽ không trụ được bao lâu nữa”.
Liên hệ với chính quyền địa phương, phó chủ tịch xã Xuân La, Hoàng Thi Hạnh cho biết: “Bản thân Thiều là một cô bé rất nghị lực và năng nổ trong các công việc ở địa phương. Hai năm trước đây khi bất ngờ Thiều bị bệnh và không thể đi lại được nữa, bà con trong xã ai cũng thương nhưng cũng chỉ giúp đỡ được một phần nhỏ thôi. Hiện tại mẹ của em cũng bị bệnh nên gia đình càng khó khăn vì thế nên chính quyền địa phương xã cũng rất mong các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ gia đình em”.
Cố ra sức đẩy từng vòng xe lăn, cô bé sinh viên Sư phạm vẫn quả quyết: “Dù đôi chân của em không thể đi lại được nhưng em vẫn muốn được trở lại trường học tiếp để trở thành cô giáo, chị ạ. Đó là ước mơ cả đời của em, em cũng đã đi được gần đến đích rồi nên không muốn để mất nó đâu”. Câu nói của em khiến chúng tôi cũng thấy chạnh lòng, nhìn cô bé tật nguyền, yếu ớt như Thiều không ai nghĩ em lại có một niềm tin sắt đá và ý chí quyết tâm đến vậy. Nhưng con đường phía trước còn quá chông gai khiến tôi sợ chiếc xe lăn ấy không còn được vững vàng nếu như không ai bàn tay nào đưa ra nâng đỡ !
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1194: Em Lý Thị Thiều (Thôn Cọn Luông, xã Xuân La, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) Số ĐT: 0169.508.9989 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội (Cạnh bến xe Kim Mã) Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email: quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK: Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP HCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
|
Thiên Ân