- 27/11/2013 16:00:24 | 1810 lượt xem
Bà Rịa-Vũng Tàu: 5 năm – gần 150 nạn nhân chất độc da cam được phẫu thuật
30 tuổi, ngụ tại huyện Đất Đỏ, Nguyễn Thị Bích là NNCĐDC thế hệ thứ hai với khớp háng bị biến dạng bẩm sinh khiến cô gặp khó khăn trong đi lại, sinh hoạt. Bích là một trong những NNCĐDC đầu tiên được phẫu thuật trong năm 2008 khi chương trình phẫu thuật cho NNCĐDC bắt đầu. Đến nay, sau 5 năm phẫu thuật, Bích đã có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc như những người đồng trang lứa. Sau ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, Bích đã có thể đi, đứng như người bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Phương Nam (Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Bà Rịa) là người đã trực tiếp phẫu thuật cho Bích. Sau ca phẫu thuật của Bích, bác sĩ Nam đã tham gia gần như xuyên suốt chương trình phẫu thuật cho NNCĐDC với gần 150 bệnh nhân khác. Có những bệnh nhân là trẻ em bị co rút chân, tay, nhưng trí tuệ vẫn bình thường. Có bé gái bị khèo tay, bàn tay thì thiếu ngón, bàn tay khác lại thừa ngón, nhưng rất thông minh, nhanh nhẹn. Việc phẫu thuật thành công đã gần như làm thay đổi số phận của các em. Các em được lớn lên như bao bạn bè khác, được đến trường, học hành và không còn mặc cảm mình là người khuyết tật.
Nói về những ngày đầu triển khai chương trình phẫu thuật cho NNCĐDC, bác sĩ Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) vẫn có cảm giác như mới chỉ ngày hôm qua. 5 năm qua, với nhiều trăn trở và phải quyết tâm lắm mới làm được điều đó. Với sự phối kết hợp của bác sĩ bệnh viện tỉnh, tuyến trên như Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình, Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh… Hội NNCĐDC tỉnh đã giúp gần 150 trường hợp được phẫu thuật để trở thành người bình thường, nhiều trường hợp khác được điều trị bệnh bằng nội khoa, tập vật lý trị liệu.
Những người làm chương trình, từ bác sĩ dày dạn kinh nghiệm đến các điều dưỡng trẻ đều không nén nổi xúc động khi nhìn thấy những NNCĐDC sau phẫu thuật. Họ như được sinh ra lần nữa, trong hình hài khác, toàn vẹn hơn, hoàn hảo hơn, dù sự can thiệp bằng phẫu thuật đôi khi chưa như mong đợi của tất cả mọi người. Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân cũng vậy, trong vai trò là chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh, ông đã sát cánh cùng các bệnh nhân, y, bác sĩ từ những ngày đầu, tâm huyết của ông như lan truyền sang cả những người khác, cả những hội viên của Hội từ tuyến tỉnh đến huyện, xã, phường. Để NNCĐDC có cơ hội lên bàn phẫu thuật là cả một quá trình dài cho khâu chuẩn bị, lên kế hoạch, khám sàng lọc và nhiều khâu khác liên quan. Tất cả họ, những hội viên Hội NNCĐDC đã tận tình với tâm thức tự nguyện, không màng danh lợi, nhiều khi quên cả bữa cơm trưa, hồi hộp cùng gia đình của bệnh nhân trong suốt quá trình phẫu thuật và những ngày sau đó để hồi phục chức năng cho bệnh nhân.
Với người bình thường, khi phải lên bàn phẫu thuật thì đã coi như đánh cược sinh mạng của mình, NNCĐDC còn phải đối diện hiểm nguy hơn thế. Trong cơ thể họ, không chỉ có một vài khuyết tật biểu hiện bên ngoài mà còn nhiều di chứng, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể nên nguy cơ trong phẫu thuật càng cao hơn người bình thường. Thế mà, tỷ lệ thành công trong các ca được phẫu thuật cũng lên đến 95%. Và để có được thành công này, đôi khi phải trả giá bằng cả những thất bại cay đắng. Hơn ai hết, chính những người làm chương trình cảm nhận được nỗi đau như người thân của nạn nhân, bởi họ đã xem những bệnh nhân đặc biệt này như con, cháu mình vậy.
Trong 5 năm (2008 – 2013), gần 150 bệnh nhân NNCĐDC đã được phẫu thuật, tỷ lệ thành công là 95%, nhưng những người làm chương trình vẫn chưa thỏa mãn, bởi với các y, bác sĩ, 5% thất bại vẫn là tỷ lệ lớn, làm đau thêm nỗi đau da cam mà họ muốn san sẻ. Theo các bác sĩ, sở dĩ có 5% không tốt trong và sau phẫu thuật một phần là do sức khỏe của bệnh nhân không bảo đảm, khó đáp ứng với gây mê, có nhiều bệnh lý khác kèm theo khó đáp ứng cuộc phẫu thuật lớn. Một phần khác gây thất bại là do sự phối hợp tập luyện phục hồi chức năng không tốt từ phía bệnh nhân và gia đình khi không tuân thủ đúng chỉ định.