- 04/12/2013 10:59:08 | 1156 lượt xem
Xin giúp cậu bé 9 tuổi theo mẹ nhặt rác để kiếm tiền chữa bệnh
Nhận đi gom rác cho cả vùng với thu nhập 500.000 đồng/ tháng, cậu bé Đoàn Văn Dương tích góp từng đồng để có tiền lên viện truyền máu. Mặc dù đã được hẹn phải lên viện từ tháng 2 nhưng đến tận tháng 11 em mới được đưa lên vì không lo được tiền.
18h tại hành lang bệnh viện Huyết học và truyền máu TW, khi nhiều bệnh nhân khác đang í ới gọi nhau đi mua cơm, duy chỉ có bé Đoàn Văn Dương là ngồi khóc một mình. Gương mặt mệt mỏi và làn da sạm đen sau những lần truyền hóa chất, em cho biết hai mẹ con vừa lên viện được 2 ngày nhưng có lẽ ngày mai lại phải về vì mẹ không có đủ tiền đóng viện phí.
Lật đật chạy về với con, gương mặt người phụ nữ cũng bơ phờ, mệt mỏi, rồi cả hai cùng nhìn nhau rơm rớm nước mắt. Chị cũng muốn nói dối để con yên tâm ở viện chữa bệnh nhưng sự thật chị không lo đâu đủ tiền đóng viện phí nên buộc phải nói với thằng bé. Càng tủi thân hơn khi nghe con nói: “Giá như bố mình cũng như bố của các bạn thì mẹ con mình đỡ khổ”.
Lời con nói như mũi dao cứa vào trái tim vốn đã đáng thương, tội nghiệp của chị, nay lại càng tủi thân hơn khi nghĩ đến cảnh phải đưa con về như những lần trước. Lấy chồng về vùng quê nghèo ở xóm 7, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cái án tử hình đã 8 năm đeo đuổi chị bởi tin chồng bị HIV. Gạt ngang dòng nước mắt, chị cho biết: “Tôi sinh bé Dương được 1 tuổi thì chồng phát hiện bị HIV. Lúc đó tôi có biết gì đâu, anh ấy đi làm cùng anh em ở trong làng rồi thì sốt, co giật và được đưa vào bệnh viện Nhiệt Đới TW. Ở đây các bác sĩ phát hiện vi rút HIV trong máu của chồng tôi thì tôi mới hay biết”.
Tin chồng mắc căn bệnh thế kỉ như tiếng sét đánh ngang tai, chị vội vàng ôm con lên bệnh viện để làm xét nghiệm thì may mắn cả hai mẹ con đều không việc gì nhưng cũng từ đó cái tổ ấm bé nhỏ của chị bắt đầu rạn nứt. Anh bị bệnh, đau đớn hành hạ thành ra không còn làm được việc gì mà chỉ quanh quẩn ở nhà, đến tháng thì đi khám và uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Căn bệnh quái ác của anh khiến chị ngậm đắng nuốt cay không làm mẹ lần thứ hai để giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng.
Những tưởng nỗi đau của người phụ nữ này chỉ dừng lại ở đó nhưng cách đây 4 năm, bé Dương có những dấu hiệu đau nhứt, mệt mỏi vào sốt li bì. Cho con đến viện khám chị mới tá hỏa khi bác sĩ cho hay con mắc chứng bệnh ung thư máu. Trời đất lần nữa như sụp đổ trước mắt chị, hoang mang chị không còn ý thức được những gì đang diễn ra với mình, chỉ ú ớ được mấy câu gọi con rồi ngất xỉu đi không biết gì.
Nhớ lại những ngày tháng đó, người phụ nữ đáng thương khóc òa: “Cũng 4 năm rồi, nhưng mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy tim mình đau nhói. Ngày ấy thằng bé Dương vừa vào lớp 1, cả hai mẹ con mấy hôm trước còn tíu tít kể chuyện mua quần áo và sách vở cho con đi học, vậy mà đùng một cái con mắc chứng bệnh quái ác này. Tôi đau đớn như có thể chết đi được nhưng vẫn phải gắng gượng từng ngày đi chữa bệnh cho con”.
4 năm cậu bé Dương làm bạn với những lần chọc tủy đau điếng người, những chai truyền hóa chất và những cái chết quá ư tàn nhẫn của các bạn cùng phòng. 4 năm em cũng quen dần với những lần vừa lên viện hôm nay, hôm sau đã phải ngậm ngùi đi về vì mẹ không có tiền và cũng chừng ấy thời gian em quen rồi với việc bị bố đánh mỗi khi bố đau đớn, lên cơn.
Không có tiền cho con đi chữa bệnh, chồng lại bệnh tật không dựa được vào, từ lâu hai mẹ con nhận đi thu rác cho cả vùng để có thêm đồng thu nhập. Không sợ vất vả, cậu bé Dương phấn khởi khi kể chuyện công việc của mình: “Cháu rất vui vì giúp mẹ kiếm được tiền cô ạ. Có những hôm đi thu muộn đến tận 8 giờ tối mới xong nhưng cháu cũng thấy bình thường thôi ạ, cháu chỉ hãi nhất là khi bị bố đánh thôi”.
Nghe con nói, bản thân chị chỉ biết ngồi khóc phần nhiều vì thương con, phần lại trách chồng bệnh tật và hận cả bản thân mình kém cỏi không kiếm được tiền để con phải khổ. Cũng là một lần lấy chồng để mong có được một mái ấm hạnh phúc như người ta nhưng với chị sao điều ấy lại quá ư tàn nhẫn và đắng cay đến vậy. Bố mẹ đẻ của chị cũng đã mất lâu rồi, nghĩ đến những ngày phía trước chị rùng mình sợ hãi khi thoáng trong đầu hình ảnh chiếc khăn tang trải dài trên đồng cỏ, ở đó chị vẫn thấy đứa con trai tội nghiệp ngày ngày cùng mẹ đi gom rác lấy tiền đi viện.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1231: Chị Phan Thị Nụ (xóm 7, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) Số ĐT: 0162.646.7945 Hiện tại hai mẹ con đang ở phòng 617 viện Huyết học và truyền máu TW. |
Dantri