Héo hon phận đời
Đến đầu thôn Vĩnh Hạ, chúng tôi bắt gặp một ông cụ chừng 80 tuổi, trong dáng điệu khắc khổ, lưng còng sát đất đang hổn hển kéo chiếc xe phân lên dốc. Bà chủ quán nước cho biết: "Đó là ông Sản người thôn này. Hai vợ chồng ông ấy khổ lắm, già cả bệnh tật nhưng vẫn phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi hai cháu và đứa con thần kinh. Thường ngày, ai muốn gặp ông bà thì phải đợi khi trưa trật hoặc tối mò họ mới đi làm về".
Mãi gần trưa, lần theo vết xe phân, chúng tôi đã tìm được nhà ông Sản. Căn nhà ngói của gia đình ông cũ nát, lụp xụp, chưa một lần gia cố, nằm heo hút bên cánh đồng làng. Hạ chiếc càng xe xuống sân, ông Sản thều thào nói: "Cả buổi sáng, tôi kéo được 2 xe phân, người ta trả công dăm chục ngàn, thế là đủ tiền lo hai bữa cho cả nhà".

Rót nước mời khách, ông Sản lần dở quãng thời gian cơ hàn của gia đình. Ông kể: Xuất thân trong một gia đình bần nông, thuở nhỏ ông từng đi ở cho một phú nông trong xã. Mặc dù gia đình rất đông anh em, nhưng lớn lên mỗi người một nơi, một mình ông Sản cáng đáng cửa nhà, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ. Đến khi trưởng thành, ông Sản nhờ bà mối tìm cho một người vợ ở làng bên, đó là bà Thoa bây giờ.

Ngày ấy, không một người con gái nào trong thôn đồng ý về san sẻ gánh nặng gia đình cùng ông, bởi gia tài trống rỗng chỉ có ngôi nhà lá dột nát bên đường. Lập gia thất, những tưởng cuộc sống cơ cực rồi sẽ qua đi, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn dai dẳng bám riết lấy gia đình nhỏ.

Bà Thoa lần lượt sinh hạ được 3 người con, hai gái, một trai. Vất vả khổ cực nuôi con khôn lớn, chờ ngày báo đáp, nhưng rồi vợ chồng ông Sản chẳng những không được nhờ vả mà còn phải nhịn cơm sẻ áo, chắt chiu, dành dụm lo cho từng đứa. Hiện tại, hai đứa con gái của ông Sản đã trưởng thành và lập gia đình ở nơi đất khách quê người, rất ít khi về thăm nhà.

Ở quê, gia đình ông Sản thuộc diện nghèo, năm miệng ăn trông chờ vào một con bò và vườn táo nhỏ. Vợ chồng ông Sản không một đồng lương hưu, không tiền trợ cấp, chỉ với hai bàn tay trắng làm thuê. Để có tiền nuôi con cháu, ông Sản nhận hai sào đất bồi ngoài bãi nổi để trồng táo. Ông Sản cho biết: "Những năm trước còn khỏe, tôi thường xuyên đắp đất vét bùn, tưới phân chăm táo nên còn vớt vát được.

Vài năm gần đây, sức yếu lại thêm mùa màng thất bát, táo cằn cỗi sâu bệnh bán không ai mua, chỉ biết lấy công bù lãi thôi". Ngoài trồng táo, ông Sản còn tranh thủ đi kéo phân thuê cho người làng, ngày có việc thì thu nhập được 70 ngàn. Những ngày nghỉ, ông lại quanh quẩn khắp làng tìm hót phân trâu đem về nhà lưu giữ, đợi khi nào có người thuê thì sẵn chở ra ruộng.

Ông Sản cho biết nhiều năm bươn trải, vắt kiệt sức lực, lại thêm bệnh viêm khớp mạn tính hành hạ nên bà Thoa – vợ ông thường xuyên đau ốm, bệnh tật. Mặc dù đã 77 tuổi, không còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh nữa, nhưng bà Thoa vẫn nhận làm mướn, chăn bò thuê cho người làng.

Mỗi năm, bò mẹ đẻ được 1 bò con, bán được gần 5 triệu đồng. Để có được số tiền ấy, nhiều lần bà Thoa bị bò kéo lê ra đường, trầy xước khắp người, có lần còn bị sụn cả xương lưng.

Tận cùng nỗi đau

Trong lúc chuyện trò ở nhà ngoài với chúng tôi, gian kế bên tiếng người la hét ngày một lớn. Đó là tiếng anh Đam – con trai duy nhất của ông bà Sản. Bước vào căn nhà ngang nơi anh Đam đang ở, chúng tôi không khỏi xót lòng khi chứng khiến chân phải anh bị cột chiếc xích to bản đề phòng khi phát bệnh. Miệng anh lúc nào cũng ngậm tẩu thuốc đen ngòm. Mọi sinh hoạt từ ăn uống đến vệ sinh chỉ quanh quẩn trên chiếc phản ọp ẹp. Chiếc thùng cũ đen sì được đặt cạnh giường để sinh hoạt cá nhân.

Cái lạnh căm căm khiến cho gian buồng của anh càng trở nên lạnh lẽo.

Ông Sản nhăn nhó: "Trong số mấy đứa con, thằng Đam là đứa khổ nhất. Nó bị thần kinh cách đây 10 năm rồi, vợ chồng tôi không có tiền chữa trị nên đành để nó ở nhà. Mấy năm gần đây, mỗi lần lên cơn dại nó bỏ nhà lang thang, quậy phá hàng xóm. Vợ chồng tôi chẳng còn cách nào khác đành phải xích chân nó vào cột nhà, có như vậy mới an tâm đi làm thuê kiếm tiền nuôi các cháu".

Hướng mắt sang người con, bà Thoa rầu rĩ kể lại: Đam (SN 1975) là con thứ 2 trong gia đình. Ngày chưa phát bệnh, Đam là một chàng thanh niên lực điền chăm chỉ, cần mẫn nức tiếng trong làng. Đam từng có hai đời vợ. Người vợ đầu vốn là một tiểu thư cành vàng lá ngọc, được cưng chiều từ bé, không phải động tay chân vào việc gì.

Sau khi đứa con đầu lòng cứng cáp, chị vợ phải theo chồng ra đồng, được nửa buổi đã vội trở về nhà thu dọn quần áo, dắt con trai đi thẳng về nhà ngoại không một lời từ biệt. Từ khi chị vợ ra đi, anh Đam sống như người mất hồn, không thiết làm ăn gì nữa. Thấy vậy, vợ chồng ông Sản lại tìm cho anh Đam một người vợ khác với hy vọng con trai mình sẽ tu trí làm ăn trở lại.

Sau nhiều cuộc mai mối, cuối cùng vợ chồng ông Sản cũng chọn cho anh Đam một cô gái hơn anh hai tuổi, không sắc, không tài, nhưng chăm chỉ làm ăn. Những tưởng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, nào ngờ hai người đến với nhau như hai kẻ chết đuối vớ phải cành củi mục. Chung sống với nhau chưa được bao lâu, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, anh Đam biến thành một gã tâm thần vô dụng.

Ba năm sau, chị Nguyễn Thị Hưởng (vợ anh Đam) mắc bệnh tim rồi đột ngột qua đời, để lại hai đứa cháu thơ dại và món nợ gần 100 triệu đồng. Hiện tại, đứa lớn Trần Văn Thoáng 11 tuổi, đứa nhỏ Trần Thị Hiền 6 tuổi.

Theo lời bà Thoa, có lần lên cơn điên loạn, anh Đam còn cầm điếu cày rượt đuổi bà khắp làng, rồi đập phá đồ đạc trong nhà hoặc bỏ đi cả tháng trời, mãi mới tìm được về. Từ đó, vợ chồng ông Sản đành ngậm ngùi xích chân con trai vào cột nhà để yên tâm đi làm, kiếm tiền nuôi các cháu.

Bé Thoáng – con trai anh Đam tâm sự: "Thấy bố bị trói trong góc nhà, hai anh em thương bố lắm. Bố cháu cũng thương ông bà và hai anh em cháu. Những lúc bình thường, bố cứ nằng nặc đòi cởi xích để xin đi làm, phụ giúp ông bà kiếm tiền nuôi các cháu.

Nhưng ông bà sợ bố phát bệnh, nên ít khi cho chúng cháu đến gần". Ngoài những giờ học trên lớp, Thoáng còn phụ giúp bà chăn bò, nấu cơm, giặt giũ quần áo cho cả nhà. 11 tuổi, nhưng có lẽ Thoáng cũng phần nào hiểu được số phận cuộc đời, nét buồn cứ hiện lên trên khuôn mặt của cháu.

Ông Sản lấy ba nén nhang rồi thắp lên bàn thờ người con dâu xấu số. Gạt nước mắt, ông nói: "Con dâu tôi mất đã được 3 năm rồi, cách đây không lâu cả nhà cũng cố gắng vay mượn tiền "thay áo" cho con. Ngày còn sống, một tay nó lo toan mọi chuyện lớn bé trong nhà. Là con dâu nhưng nó thương bố mẹ chồng lắm, chẳng bao giờ làm chúng tôi buồn chuyện gì.

Còn nhớ ngày phát hiện con dâu mắc bệnh tim, vợ chồng tôi cố gắng vay mượn anh em, làng nước hơn 100 triệu đồng đưa con vào viện chữa trị, nhưng rồi lực bất tòng tâm".

Nói về trường hợp của gia đình cụ Trần Gia Sản, ông Lê Xuân Dân - Chủ tịch xã Sơn Công cho biết: “Gia đình ông Sản thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chính quyền xã rất quan tâm, tạo điều kiện hết lòng chia sẻ, giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên số tiền trợ cấp hàng tháng cũng chỉ đủ trang trải phần nào cho các cháu ăn học. Còn về lâu dài gia đình cần tới sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội".

Mọi sự giúp đỡ xin vui lòng liên hệ :

HỘI TỪ THIỆN XANH - QUỸ TỪ THIỆN XANH - THIỆN NGUYỆN XANH - CLB TỪ THIỆN XANH
Giấy phép hoạt động số 22/GXN-TTĐT - Bộ TT&TT Hà Nội, ngày 22/3/2012
Hội hoạt động trên nguyên tắc không vụ lợi, không vì mục đích chính trị, tôn giáo 
Chỉ nhằm giúp mọi người biết được các hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam để giúp đỡ
Ban Quản Trị không chịu bất cứ trách nhiệm nào từ nội dung bài viết của thành viên 
Địa chỉ: 102 H50 Ngõ 41/27 Phố Vọng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội 
Tel: (84-4) 6.2785649 - Mobile: 0904 679 583
Email: vietgreencharity@gmail.com | tuthienxanh@gmail.com
Website: www.vietgreencharity.com | www.tuthienxanh.com;