• 27/11/2013 14:34:29 | 1257 lượt xem

Ông giáo già bên sông Hà Thanh

 

ong-giao-gia-ben-song-ha-thanh

 Mỗi lần tôi đến thăm, đều thấy ông giáo già Lê Sỹ Nguyên (sinh năm 1933) ở thôn Tây Định, khu vực 7, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, Bình Định, đang bận việc dạy học và mưu sinh. Thế nhưng nụ cười rạng rỡ, khoe hàm răng cái còn cái mất, vẫn luôn thường trực trên môi. Cuộc sống khốn khó nhưng miễn được dạy học cho đám trẻ nghèo là ông vui lắm!

  Làm thơ vận động bà con học chữ

Vào thời Pháp thuộc, hầu hết trẻ em không được đến trường nên những người biết chữ như ông đồ - cha của ông giáo - được quý trọng lắm. Khi ông còn nhỏ, cha dạy ông học chữ, lớn thêm một chút, cha lại gửi ông đến học “dự thính” tại một trường tiểu học ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định. Nhà đã nghèo, cha lại dạy học không lấy tiền nên mẹ ông phải làm thuê để nuôi ông đi học. Hàng ngày từ lúc tờ mờ sáng, ông đã cuốc bộ hàng chục cây số để đến trường. Bà con hàng xóm thấy ông chăm học quá, thương tình, hôm nào ông đi học cũng dúi cho nắm khoai lang, khoai mì khô để ăn trưa. Không có vở, ông phải xin mấy quyển vở cũ của các bạn cùng lớp rồi nhúng nước vôi phơi lên mái tranh cho mực cũ nhòe đi làm vở. Xong bậc tiểu học thì việc học của ông bị gián đoạn. Đến năm 1957, ông xin đi học sư phạm Đà Nẵng (trường do bạn cha ông làm hiệu trưởng) trong 6 tháng rồi trở về mở lớp học tình thương tại làng. Ông giáo Lê Sỹ Nguyên kể: “Hồi ấy nhà nào không có người biết chữ thì bị cán bộ cách mạng vẽ một vòng đen trước tường nhà. Nhìn khắp xóm thấy nhà nào cũng bị vòng đen, tôi quyết tâm tìm cách để bà con mình biết chữ. Bởi vậy mà bài thơ Phải đi học của tôi ra đời và những ai không đi học thì bị người đi học đến nhà... khiêng tới lớp!”.

Kể tới đây, đôi mắt già nua của ông giáo chợt ánh lên niềm vui. Cao hứng, ông ngâm nga mấy câu thơ trong bài thơ Phải đi học do ông viết vận động bà con địa phương đi học để tránh mù chữ từ: “Lời rao nam nữ bình quyền / Ai không đi học bỏ giỏ khiêng thẹn thùng”. Cũng nhờ bài thơ ấy mà mọi người trong làng hồi đó đều đi học. Khi ấy ban ngày ông giáo đi lao động, ban đêm lại dạy học. Không có đèn dầu thắp, ông đi nhặt hạt vông đồng lấy đũa ghim thành cây rồi đốt cháy lấy ánh sáng học. Cơ cực là vậy, nhưng lúc ấy học sinh đến học đông lắm. Ngoài những người lớn tuổi mù chữ đến lớp, còn có nhiều trẻ em con nhà nghèo. Gắn bó với công việc này đến “đâm nghiện”, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhận thấy trong vùng còn rất nhiều em đã lớn tuổi vì hoàn cảnh hoặc bị thiểu năng trí tuệ hay tật nguyền nên chưa được một ngày đến trường và nhiều trẻ em con nhà nghèo không được cha mẹ cho đi học, ông lại tiếp tục mở lớp học tình thương.
 Lớp học trên... bếp

Lớp học tình thương của ông vốn là cái bếp của gia đình. Năm 1990, thương lũ trẻ không có chỗ học, ông bàn với vợ sửa sang lại thành lớp học. Từ đó đến nay, hễ dành dụm được đồng tiền nào từ việc đánh cá trên sông Hà Thanh mỗi ngày, ông đều bỏ vào tu bổ thêm cho lớp học. Nền lớp học vẫn nằm lọt thỏm dưới chân đê nên cứ vào mùa mưa thì các em phải lội bì bõm để học. Thấy bọn trẻ đi học vẫn phải chịu khổ như thế, ông thương lắm. Ông lại bàn với vợ bán hai con bò cái để nâng nền lớp học. Vừa thương chồng, vừa thương lũ trẻ tật nguyền, nghèo khổ nhưng ham học, bà lại vui vẻ bằng lòng. Thế nhưng sau đó vài năm, lớp học bị một cơn bão hất tung cái mái. Ông lại phải “nài nỉ” bà bán thêm hai con heo thịt để sửa lớp...

Những năm 1995-1998, học trò nghèo đến xin học đông quá, khiến lòng ông đau như cắt. Không nhận thì thương tụi nhỏ thất học, mà nhận hết thì chẳng có chỗ để học. Ông quyết định chia ra nhiều lớp để dạy vì đám học trò không cùng lứa, cũng không cùng một lớp. Có đứa lớn tồ nhưng một chữ bẻ đôi cũng chẳng biết, có đứa đã học xong lớp 1, lớp 2 nhưng nhà nghèo nên bỏ học nửa chừng. Đứa nào học được ban ngày thì ông dạy ban ngày, đứa nào bươn chải kiếm sống, ông cho học ban đêm. Học trò nhiều thì mở lớp riêng, học trò ít, ông nhập lớp lại...
Để tạo nền nếp cho lớp học, ông mua cả trống trường. Cái trống này ông đặt mua của một ông bầu trống nổi tiếng ở Phú Tài (Quy Nhơn) với giá 700.000 đồng. Khi biết ông mua trống cho lớp học tình thương, ông bầu trống tốt bụng đã tặng lại cho ông 200.000 đồng. Từ ấy, mỗi sáng, mỗi chiều, tiếng trống “trường làng” của ông lại vang lên rộn rã khắp cả một bến sông.

Khi trẻ con quanh vùng lần lượt đến trường, mấy năm nay, ông tìm vào tận các thôn Thuận Nghi, Lạc Trường, Đông Định hoặc sang sông thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước để tìm học trò, nhưng chỉ còn mấy cháu thiểu năng, khuyết tật là chưa đến lớp. Học trò nghèo của ông học hết lớp 3 (chương trình phổ cập giáo dục tiểu học) sẽ được trường tiểu học ở khu vực tổ chức cho thi, nếu đạt sẽ được học hòa nhập. Chỉ tính từ năm 1990 đến nay, số học trò nghèo rời lớp học tình thương của ông đã gần 800 em. Bây giờ lớp học tình thương của ông vẫn còn 35 học sinh, chia làm 2 buổi học do ông và ông giáo già Lê Tuấn Lộc (79 tuổi), nguyên là giáo viên trước giải phóng, chia nhau dạy. Ông giáo cười vui: “Nhờ có thầy Lộc mà mình vui hơn khi có người cùng chung chí hướng. Nhờ có lớp học tình thương mà đa số trẻ em trong vùng đã có cái chữ. Tôi vui lắm vì tâm nguyện của mình đã hoàn thành, mà chắc cha tôi ở dưới suối vàng cũng hài lòng khi tôi tiếp tục dạy cho mấy đứa trẻ nghèo trong làng như cha tôi từng làm ngày trước”.

Anh Huỳnh Văn Tài - tổ trưởng tổ dân phố khu vực 7, phường Nhơn Bình, chia sẻ: “Tôi từng có con theo học ông giáo làng Lê Sỹ Nguyên. Đến nay thằng bé Huỳnh Đức Lý (23 tuổi), con trai tôi, đang học đại học ở ngoài Hà Nội. Nhờ có lớp học tình thương của ông giáo mà bà con dân nghèo ở đây được nhờ lắm!”.

Vui vì đã có con cháu kế thừa sự nghiệp trồng người!

Dạy học không vì mục đích kiếm tiền, cho nên để duy trì cuộc sống và nuôi 7 cô con gái ăn học nên người, ngoài giờ dạy học, ông giáo phải bươn chải kiếm sống bằng nghề sông nước. Tuy nhiên, vì quá nghèo, không mua nổi tấm lưới nên ông phải dùng “bổi” để bắt cá. Ban ngày, ông sắp xếp cho con cái đi chặt cây dúi bó lại thành vài chục bó (gọi là bổi), đêm đến đem thả dọc mé sông. Sáng ra, ông cầm rổ đi rũ bổi kiếm dăm mớ tôm mớ cá đem ra chợ bán, duy trì cuộc sống.

Ông Lê Văn Thông - Phó bí thư Đảng ủy phường Nhơn Bình khẳng định: “Vào thời gian đầu hoạt động, lớp học tình thương do thầy giáo làng Lê Sỹ Nguyên phụ trách đã mang lại hiệu quả giáo dục rất rõ. Ngoài việc tạo điều kiện cho các cháu bị khuyết tật vì mặc cảm không thể đến trường tiếp cận việc học, học trò xuất thân từ lớp học tình thương của thầy giáo Nguyên còn có một nền tảng học vấn rất vững vàng. Đã có nhiều em thi đậu vào Trường chuyên Lê Quý Đôn (Quy Nhơn) và nhiều em đã bước chân được vào giảng đường đại học, hiện rất thành đạt. Để động viên, từ năm 1990, Phòng GD&ĐT TP. Quy Nhơn đã cấp bồi dưỡng cho các thầy giáo dạy ở lớp học tình thương mỗi tháng 210.000 đồng và ủy ban nhân dân phường Nhơn Bình hỗ trợ mỗi thầy 120.000 đồng/tháng”.

Có lương, ông giáo vui lắm vì đồng lương cũng giúp ông giải quyết một số việc của gia đình, nhưng điều làm ông vui hơn là thấy công việc của ông đã được xã hội biết đến và công nhận. Năm 2000, ông đã được trao tặng huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Từng thế hệ học sinh đã đi qua, không ít người đã thành công trên đường đời nhưng ông giáo vẫn còn cặm cụi tham gia sự nghiệp trồng người của mình một cách lặng lẽ. Đặc biệt, ông rất vui khi biết cháu ngoại ông - Võ Thị Đông Phương (25 tuổi), tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Quy Nhơn, hiện đang dạy ở huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho biết sẽ “kế thừa” công việc từ thiện của ông. Ông Khoe: “Tôi sung sướng và mãn nguyện lắm vì đã có học trò và người thân của mình tiếp tục con đường mình đã lựa chọn”.

Chia tay ông bên bến sông Hà Thanh lộng gió, tôi chợt tò mò: “Giờ đây, thầy có mong muốn gì không?”. Câu trả lời của ông rất giản dị: “Tôi chỉ mong mình luôn khỏe mạnh để dạy cho các cháu không bị thất học, như vậy là tốt rồi! Tôi nguyện hy sinh cả đời mình cho đám trẻ nghèo, khuyết tật. Được dạy học, đầu óc tôi thoải mái, tinh thần lạc quan và tôi sẽ sống thêm được 10 năm nữa!”.

(Trích nguồn: http://tuthien.vn)

Các bài viết khác

BACK TO TOP