• 27/11/2013 16:55:13 | 1875 lượt xem

50 năm - vẫn còn đó những nỗi đau da cam

Dư luận quốc tế và chính báo chí Mỹ, 50 năm sau ngày 10/8 năm đó, tiếp tục lên án hành động tàn bạo vẫn còn hiện hiện trong nỗi đau không chỉ ở trong hàng nghìn gia đình Việt Nam, mà còn ở bao nhiêu gia đình Mỹ.

Trong thời gian cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã sử dụng chất độc chứa dioxin để hủy diệt những cánh rừng nơi các chiến sĩ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có thể đóng quân.

Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản. Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người.

“Sau trận mưa ‘da cam’, khu rừng bị nhiễm độc biến thành ‘vùng đất chết’. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam là nạn nhân của chất dioxin. Ba triệu người đã chịu tác động trực tiếp của chất độc này và hơn một triệu người là con cháu của những người đã bị phơi nhiễm, gây nên biết bao thảm cảnh”, trang mạng Voice of Russia dẫn lại các tài liệu của Mỹ viết về tác hại khủng khiếp của loại chất độc này.

“Sau chiến tranh hóa học của Mỹ, ở Việt Nam đã tăng mạnh số trường hợp sảy thai, lưu thai hoặc sinh con với dị tật bẩm sinh. Cả hiện nay cũng có những trường hợp như vậy. Đây là thế hệ thứ 4 của người Việt Nam chịu ảnh hưởng khủng khiếp của chất dioxin. Những trường hợp tương tự đã ghi nhận không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ tham dự cuộc chiến Việt Nam”.

“Chiến tranh chấm dứt đã hơn 36 năm. Đất nước Việt Nam đã hồi sinh. Mặc dù Chính phủ Việt Nam, nhiều tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài đã quan tâm giúp đỡ, nhưng nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn còn đó những nỗi đau”.

Chưa hết, “nỗi đau da cam sau 50 năm vẫn còn đeo đẳng các cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam”, trang mạng Fayetteville Observer viết.

Theo tờ báo, không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó riêng Mỹ là ít nhất 2,6 triệu lượt binh sĩ.

Theo báo chí Mỹ, mỗi năm, Chính phủ Mỹ phải trợ cấp cho các cựu binh Mỹ bị bệnh liên quan đến chất độc da cam số tiền hàng tỉ USD (năm 2010 là 13,5 tỉ USD). Theo Hội cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc, có 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó có 20 nghìn người đã chết. Chính phủ Hàn Quốc trợ cấp cho các binh sĩ này mỗi năm 130 triệu USD…

Nhưng Voice of Russia bất bình viết: “Trong gia đình những cựu chiến binh Mỹ cũng như Australia, New Zealand và Hàn Quốc có trường hợp sinh ra con bị dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, những người này đã nhận được tiền đền bù của các công ty sản xuất chất độc hóa học. Còn các nạn nhân Việt Nam thì bị từ chối với cái cớ thiếu bằng chứng”.

Năm 2007, một phóng sự kèm theo cả hình ảnh do phóng viên Christie Aschwanden thu thập từ vùng A Shau A Lưới trên Tây nguyên Việt Nam đã được đăng trên nhật báo The New York Times cho người đọc thấy được những di sản do độc chất trong khuốc khai quang da cam sử dụng từ thời chiến tranh để lại từ những thương tật cho người và gia súc cho đến những khô cằn của đất đai.

Giới khoa học Mỹ liên tục công bố những liên quan giữa chất độc da cam/dioxin và các loại bệnh nghiêm trọng của binh sĩ Mỹ. Mới đây, hồi tháng 5, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế các vấn đề cựu chiến binh tại bang Louisiana phát hiện ra rằng ở các cựu chiến binh Mỹ phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam có sự liên quan giữa chất độc này và bệnh ung thư thận.

Các tổ chức Mỹ đã cam kết tiếp tục hỗ trợ giải quyết hậu quả của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Quỹ Ford và Viện Aspen của Mỹ vừa tái khẳng định kế hoạch hoạt động nhằm giúp Việt Nam và Mỹ giải quyết hậu quả của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.

Trong khi đó, trải qua hơn 5 năm (30/1/2004 đến 2/3/2009), qua 3 cấp: sơ thẩm, phúc thẩm và Toà án tối cao liên bang Mỹ, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam mới chỉ qua giai đoạn tiền xét xử. Lý do từ chối thụ lý vụ kiện của Toà án Mỹ bị chính dư luận Mỹ bất bình, lên án là bất công, là nguỵ biện.

Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Với liều lượng cỡ 1 picogram (pg - phần ngàn tỉ gram), dioxin có thể gây bệnh ung thư và tai biến sinh sản ở người.

Nhân dịp 50 năm ngày quân đội Mỹ rải những lít chất độc đầu tiên xuống miền Nam Việt Nam, nhật báo Pháp Le Monde ngày 9/8 có bài về tác hại của thuốc diệt cỏ. Theo bài báo, ung thư bạch cầu, dị tật thai nhi, sẩy thai, vô sinh, vấn đề đường hô hấp, các chứng bệnh về mắt và bệnh ngoài da là danh sách các loại bệnh mà người dân vùng San Jorge đang phải hứng chịu từ nhiều năm nay, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thuốc diệt cỏ Roundup.

Theo Le Monde, nguồn gốc xuất xứ của các loại bệnh đến từ hoạt chất glysophate trong thuốc diệt cỏ Roundup, do công ty Mỹ Monsanto tung ra thị trường, và được chính quyền Arhentina cho phép lưu hành vào năm 1997. Le Monde cho biết, tại vùng San Jorge này, tỷ lệ bệnh ung thư đã tăng lên 30% trong vòng 10 năm.

Bài báo cũng nhắc lại cho biết, tại Mỹ và châu Âu, Monsanto đã từng bị kết tội vì những lời quảng cáo dối trá là thuốc diệt cỏ sinh học 100% có thể tự hủy.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap mới đây đăng tải thông tin khiến người dân Hàn Quốc giật mình: Quân đội Mỹ bị tố cáo đã từng chôn nhiều thùng chất độc màu da cam trên địa bàn Hàn Quốc.

Trong bộ phim tài liệu của hãng BBC, nhóm cựu binh Mỹ tiết lộ rằng, tại một căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, họ đã chôn gần 150 thùng chất độc làm rụng lá cây.

“Như vậy là hơn 35 năm trôi qua sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Nhưng, hậu quả về mặt y sinh học của chất độc da cam đối với con người và môi trường sinh thái vẫn là rất nghiêm trọng. Hiện nay, ‘tiếng vang của tử thần da cam’ đang lan tới tận Hàn Quốc”, chuyên viên Yuri Prishepa, Phó Giám đốc Viện Sinh thái và Tiến hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viết.

Các bài viết khác

BACK TO TOP