• 27/11/2013 17:35:09 | 35379 lượt xem

Chất độc da cam (Dioxin) với con người và môi trường Việt Nam

Chất độc màu da cam

Chất độc (màu) da cam (CĐMDC), (tiếng Anh: Agent Orange - Tác nhân da cam), là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Chất này đã được dùng giữa những năm 1961 và 1970 và nhiều người cho rằng đã làm tổn thương sức khỏe của những người Việt Nam và lính Mỹ có tiếp xúc với chất này, cũng như con cháu họ.

 

CĐMDC là một chất hỗn hợp đồng đều của hai chất diệt cỏ 2,4-D (2,4-dichlorophenoxyacetic acid) và 2,4,5-T (2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid). Các chất này đã được chế ra vào thập niên 1940 để khống chế các loại cây có lá to. Được ra mắt vào năm 1947, cả hai chất diệt cỏ này đã được thịnh hành trong nền nông nghiệp vào giữa thập niên 1950.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, mục đích quân sự chính thức của CĐMDC là làm rụng lá cây rừng để quân đội du kích Mặt trận dân tộc giải phóng không còn nơi trốn tránh. CĐMDC là một chất lỏng trong; tên của nó được lấy từ màu của những sọc được vẽ trên các thùng phi dùng để vận chuyển nó. Quân đội Hoa Kỳ còn có một số mã danh khác để chỉ đến các chất được dùng trong thời kỳ này: chất màu xanh (Agent Blue, cacodylic acid), chất màu trắng (Agent White, hỗn hợp 4:1 của 2,4-D và picloram), chất màu tím (Agent Purple), và chất màu hồng (Agent Pink).

Đến năm 1971, CĐMDC không còn được dùng để làm rụng lá nữa; 2,4-D vẫn còn được sử dụng để làm diệt cỏ. 2,4,5-T đã bị cấm dùng tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác.


Tác hại của dioxin đối với cơ thể người và động vật

Chính các báo cáo của EPA đã công nhận dioxin là một chất gây ung thư cho con người. Năm 1997, Tổ chức quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) thuộc WHO đã công bố 2,3,7,8-TC DD là chất gây ung thư nhóm 1 ( nghĩa là nhóm đã được công nhận là gây ung thư ). Đồng thời, tháng 1 năm 2001, chương trình Độc học Quốc gia Hoa Kỳ đã chuyển dioxin vào nhóm "các chất gây ung thư cho người". Cuối cùng, trong một nghiên cứu kiểm định năm 2003, các nhà khoa học cũng khẳng định không có một liều lượng nào là an toàn hoặc ngưỡng dioxin mà dưới nó thì không gây ung thư [1]. Điều này có thể hiểu là nếu một người phơi nhiễm dioxin dù lượng nhỏ nhất thì đã mang trong mình hiểm họa ung thư!

Ngoài ung thư, dioxin còn có thể liên quan đến một số bệnh nguy hiểm khác như bệnh rám da, bệnh đái tháo đường, bệnh ung thư trực tràng không Hodgkin, thiểu năng sinh dục cho cả nam và nữ, sinh con quái thai hoặc thiểu năng trí tuệ, đẻ trứng ( ở nữ ) ..v.v

Cơ chế phân tử của dioxin tác động lên các tế bào và cơ thể người, động vật vẫn đang còn nhiều tranh cãi về chi tiết. Thời gian bán phân huỷ của dioxin trong cơ thể động vật là 7 năm hoặc có thể lâu hơn. Thông thường, dioxin gây độc tế bào thông qua một thụ thể chuyên biệt cho các hydratcarbon thơm có tên là AhR (Aryl hydrocarbon Receptor). Phức hợp dioxin - thụ thể sẽ kế hợp với protein vận chuyển ArnT (AhR nuclear Translocator) để xâm nhập vào trong nhân tế bào. Tại đây dioxin sẽ gây đóng mở một số gene giải độc quan trọng của tế bào như Cyp1A, Cyp1B,... Đồng thời, một số thí nghiệm trên chuột cho thấy dioxin làm tăng nồng độ các gốc ion tự do trong tế bào. Điều này, có thể là làm phá huỷ các cấu trúc tế bào, các protein quan trọng và, quan trọng hơn cả, nó có thể gây đột biến trên phân tử DNA.

Trong một đánh giá về rủi ro và nghiên cứu các vấn đề chính sách được đưa ra trong Hội nghị Quốc tế về Dioxin tổ chức tại Berlin, 2004, nhóm tác giả đến từ Cục Môi trường Liên bang Đức (Federal environmental agency) đã đưa ra kiến nghị không có mức phơi nhiễm dioxin tối thiểu nào có độ an toàn cho phép [2] (theo WHO 2002 thì mức phơi nhiễm dioxin cho phép qua thức ăn của mỗi người là 1-10pg đương lượng độc (TEQ)/ngày).


Quá trình nhiễm độc dioxin ở Việt Nam

Ở miền Nam Việt Nam, chất độc màu da cam và các loại thuốc diệt cỏ khác bắt đầu được thử nghiệm bởi quân đội Hoa Kỳ vào năm 1961 và được sử dụng rộng rãi với hàm lượng cao trong chiến tranh vào các năm 1967 – 1968, rồi giảm xuống và ngừng sử dụng năm 1971. Các loại hợp chất này được trộn vào dầu hỏa hoặc nhiên liệu diesel rồi rải bằng máy bay hoặc các phương tiện khác.

Theo công bố của một nhóm tác giả trên tạp chí Nature thì có thể nói chiến dịch dùng hóa chất ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất thế giới [3]. Trong thời gian 10 năm đó, quân đội Mỹ và quân đội Nam Việt Nam đã rải 76,9 triệu lít hóa chất xuống rừng núi và đồng ruộng Việt Nam. Trong số này có 64% là chất độc màu da cam, 27% là chất màu trắng, 8,7% chất màu xanh, và 0,6% chất màu tím.

Tổng số lượng dioxin Việt Nam hứng chịu là vào khoảng 370kg. (Trong khi đó vụ nhiễm dioxin ở Serveso, Ý, 1971 chỉ với 20kg dioxin thải ra môi trường mà tác hại của nó kéo dài hơn 20 năm). Tổng số diện tích đất đai bị ảnh hưởng hóa chất là 2,63 triệu hécta. Có gần 5 triệu người Việt Nam sống trong 25.585 thôn ấp chịu ảnh hưởng độc chất màu da cam.


CĐMDC và cuộc chiến tranh Việt Nam

Một bản báo cáo của Hàn lâm viện khoa học quốc gia ( của Hoa Kỳ ) vào tháng 4 năm 2003 đã kết luận rằng trong Chiến tranh Việt Nam, 3.181 làng đã bị phun với các chất diệt cỏ. Khoảng 2,1 đến 4,8 triệu người "hiện diện vào lúc phun." Thêm vào đó, nhiều quân nhân Mỹ cũng bị phun hoặc có tiếp xúc với các chất này trong các khu vực vừa phun. Bản báo cáo này đầu tiên được thực hiện bởi quân đội Hoa Kỳ để tìm hiểu bao nhiêu cựu quân nhân đã phục vụ trong các khu vực bị phun. Những nhà nghiên cứu được phép truy cập các hồ sơ quân sự và tài liệu hoạt động của không quân chưa được nghiên cứu trước đây. Ước tính này đổi số thể tích CĐMDC được phun giữa 1961 và 1971 thành 7.131.907 lít, hơn số đã được phỏng đoán vào năm 1974.alt

 

Vào ngày 31 tháng 1 năm 2004, một nhóm bảo vệ quyền nạn nhân, hội Vietnam Association for Victims of Agent Orange/Dioxin (VAVA) đã kiện một số công ty Mỹ với trách nhiệm gây ra thương tích tại vì họ đã sản xuất chất hóa học này. Dow Chemical và Monsanto là hai công ty sản xuất chất này cho quân đội Hoa Kỳ lớn nhất, và đã bị kiện cùng với 8 công ty khác. Trước đây nhiều cựu quân nhân Hoa Kỳ đã thắng kiện tương tự.

Vào ngày 10 tháng 3 năm 2005, một quan tòa địa hạt (Jack Weinstein) đã bác đơn kiện, quyết định rằng những đòi hỏi của đơn kiện không có cơ sở pháp luật. Quan tòa kết luận rằng CĐMDC không được xem là một chất độc dưới luật quốc tế vào lúc Hoa Kỳ dùng nó; rằng Hoa Kỳ không bị cấm dùng nó để diệt cỏ; và những công ty sản xuất chất này không có trách nhiệm về cách sử dụng của chính quyền. Chính phủ Hoa Kỳ, vốn có quyền miễn tố (sovereign immunity), không phải là một bị cáo trong đơn kiện. Tuy nhiên, vào năm 1984 cũng từ phiên tòa của vị quan tòa này, chính các công ty trên đã chi khoảng 180 triệu $ cho các gia đình người Mỹ là cựu chiến binh Việt Nam mặc dù không thừa nhận có hành động sai trái.


Dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ phán quyết của tòa án Mỹ: 
Bác đơn kiện là trốn tránh trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh 


Ngay sau khi thẩm phán J.Weinstein ra phán quyết bác đơn kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam, dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế khẳng định: bất chấp phán quyết này, chiến dịch vì công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam vẫn tiếp tục.

Báo chí và truyền hình Hàn Quốc đã đưa tin sớm và đậm nét về việc tòa án liên bang Mỹ ra phán quyết bãi bỏ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đòi các công ty hóa chất Mỹ bồi thường thiệt hại. 

Trong bản tin đầu tiên ngày 11-3, Đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc KBS đã đưa tin chi tiết về những lý do mà tòa án liên bang Mỹ viện ra để bác bỏ vụ kiện, đồng thời nhắc lại chi tiết trước đây tòa án Mỹ đã từng phán quyết các công ty hóa chất Mỹ phải bồi thường cho các cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam/dioxin 180 triệu USD.

Theo Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt Francis Gendreau, các công ty hóa chất Mỹ đã trốn tránh trách nhiệm và che giấu sự thật trước dư luận thế giới. Vụ kiện không đơn thuần đòi bồi thường vật chất, điều quan trọng là yêu cầu những kẻ gieo rắc cái chết có trách nhiệm đối với những hậu quả do họ gây ra và đòi công bằng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. 

“Tại sao những người Việt Nam là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam/dioxin bị bỏ quên, trong khi các cựu chiến binh Mỹ, Australia, New Zealand tham gia chiến tranh chống nhân dân Việt Nam lại được bồi thường thoả đáng. Đó liệu có phải là nền dân chủ và công bằng mà chính quyền Mỹ luôn tuyên bố?”.

Ông John McAuliff, Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển ( Mỹ ) cho rằng: “Thẩm phán Weinstein đã dọn đường cho đất nước chúng ta tiếp tục lẩn tránh các nghĩa vụ đạo đức đối với những hậu quả đã gây ra. Bất chấp việc các công ty hóa chất và Chính phủ Mỹ biết được bao nhiêu về khả năng tàn phá của chất độc da cam/dioxin trong các hóa chất mà họ sử dụng làm vũ khí chiến tranh, họ cũng không nên vin vào những chi tiết chuyên môn về pháp lý và kỹ thuật để trốn tránh trách nhiệm giải quyết tấn bi kịch con người mà ai cũng thấy rõ là do hành động của họ gây ra”.alt

 

Tổ chức Chiến dịch trách nhiệm và cứu trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAORRC) đã kêu gọi các tổ chức, nhân dân Mỹ ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa các nạn nhân Việt Nam tiếp tục vụ kiện, đòi Chính phủ Mỹ thực hiện trách nhiệm luật pháp và đạo đức trong việc bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. VAORRC khẳng định việc các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện các công ty hóa chất Mỹ hoàn toàn phù hợp với luật pháp Mỹ và luật quốc tế. 

Trong khi đó, Hội nghị quốc tế về chất độc da cam ở VN vẫn đang tiếp diễn tại Paris, Pháp. Các giáo sư y khoa Đại học Harvard John D. Constable, những người đã biết đến các thương tổn chiến tranh VN từ năm 1967 qua các nghiên cứu về các nạn nhân bom napalm; giáo sư Arnold Schecter, Đại học Texas - Houston, chuyên gia hàng đầu thế giới về chất độc dioxin... đang chia sẻ những hiểu biết của mình về tác hại của chất độc da cam, như là những đóng góp về mặt chứng lý khoa học cho việc nêu đích danh chất dioxin là nguyên nhân của những di chứng thương tật nay đã sang thế hệ thứ ba, thứ tư.

Luật sư J.Moore, đại diện Đoàn luật sư bên nguyên nhấn mạnh cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc 30 năm, nhưng cho đến nay các nạn nhân Việt Nam bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin vẫn chưa được hưởng công lý. Ông cam kết cùng với các luật sư Mỹ theo đuổi vụ kiện này đến cùng để giành lại công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Luật sư W.Goodmain trong Đoàn luật sư đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khẳng định thẩm phán J.Weinstein đã “sai lầm cơ bản và rõ ràng” khi phán quyết rằng tác nhân da cam không phải là chất độc. “Việc quân đội Mỹ sử dụng hóa chất này trong chiến tranh Việt Nam ngay từ đầu đã là một sự nhục nhã, và nay, thất bại của tòa án Mỹ trong việc sửa chữa sai lầm này là sự tiếp tục của nỗi nhục đó”.

BACK TO TOP