• 27/11/2013 17:30:37 | 50828 lượt xem

Chất Da cam/ Dioxin - Di chứng dai dẳng (Phần 1 - Di sản chết người của chất độc Da cam)

Vấn đề chất độc Da cam/ dioxin và những di chứng dai dẳng của nó tới những người lính Việt Nam và Mỹ bị phơi nhiễm và ở cả thế hệ con cháu của những người này từ bao lâu nay vẫn là điều nhức nhối của chính phủ mỗi nước. Dù nhiều cựu binh Mỹ đã nhận được những khoản bồi thường ở mức này hay mức khác từ chính phủ Mỹ, từ các công ty sản xuất chất hoá học nguy hiểm nhất mà con người đã từng tạo ra, nhưng ở bên này bán cầu, những người cựu chiến binh, người dân thườngViệt Nam và các thế hệ con cháu họ phải chịu  hậu quả nặng nề về thể xác và tinh thần từ chất độc Da cam/ dioxin vẫn bị chính phủ Mỹ, các công ty hoá chất Mỹ bỏ quên nhiều thập kỷ qua.
 
Báo Nhân Dân điện tử  tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc loạt phóng sự điều tra do chính những nhà báo Mỹ thực hiện, phản ánh một phần nhỏ cuộc sống bất hạnh của những nạn nhân chât Da cam/dioxin Việt Nam đang bị chính phủ Mỹ lãng quên. Loạt phóng sự này được đăng trên tạp chí Mỹ, tờ Chicago Tribune với năm  phần được thực hiện ở cả Việt Nam và Mỹ cùng một loạt thước phim chân thực nhất về cuộc sống khó khăn không hy vọng của những số phận bị lãng quên này. 
Qua việc  phỏng vấn hàng chục nạn nhân Da cam/dioxin ở cả Việt Nam và Mỹ với những tài liệu được quân đội Mỹ công bố và các nghiên cứu số liệu khoa học cụ thể, chính xác, tờ Chicago Tribune đã cho người đọc thấy mức độ nguy hiểm của chất Da cam/dioxin tới sức khoẻ con người cũng như trách nhiệm của phía Mỹ cần có  hành động để góp phần khắc phục hậu quả nặng nề mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu. Loạt điều tra cũng vạch rõ sự lảnh tránh vấn đề này của chính giới Mỹ trong nhiều năm với lập luận “chưa rõ bằng chứng khoa học” về tác hại của chất Da cam/dioxin tới sức khoẻ con người, hoặc những quan điểm đổ lỗi cho khách quan vì những lý do sinh hoạt hoặc điều kiện vệ sinh môi trường kém.
 
Khoa học không phủ nhận việc dị tật bầm sinh, ung thư …là do nhiều yếu tố khác nhau, song cả trên khía cạnh khoa học và khía cạnh đạo lý, với độ lùi của thời gian, với việc công bố những tư liệu còn lẩn khuất, những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về mối liên hệ mật thiết  giữa chất độc hoá học mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam và những hệ luỵ lâu dài, tàn khốc tới các thế hệ người Việt Nam trong và sau chiến tranh, phía Mỹ không thể chối bỏ trách nhiệm chính trị và trách nhiệm nhân đạo của mình vì đã sản xuất và sử dụng những hoá chất chết người này.
 
Gác lại quá khứ hận thù, hướng tới tương lai, không có nghĩa là lãng quên quá khứ. Chỉ khi ứng xử  trách nhiệm với quá khứ,  người ta mới có trách nhiệm với tương lai. Và như thế, nhân quyền, công bằng, dân chỉ không thể chỉ là chuyện dạy dỗ người khác, không thể chỉ là lối ích kỷ hại nhân, không thể chỉ là độc quyền ban phát của nước giàu, kẻ mạnh.
 
Chừng nào những nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Việt Nam vẫn chưa được phía Mỹ thừa nhận, bồi thường, chừng đó “nhân quyền” vẫn là cây gậy và củ cà rốt của cường quyền, là sự áp đặt giá trị sống theo khẩu vị của một thế lực để khoả lấp đi sự bất công vẫn còn ngự trị.
Phần 1 mang tên gọi: “Đối với nước Mỹ, một số lượng lớn nạn nhân vẫn bị lãng quên” cho thấy các quan chức Mỹ vẫn phớt lờ vấn đề dai dẳng thậm chí cả khi hậu quả xấu đối với sức khỏe con người đang lan rộng.
Phần 2 với tên gọi: “Sự xúc phạm gây tổn thương” cho thấy đối với các cựu chiến binh Mỹ tại chiến tranh Việt Nam, bất công đi liền với đau thương. Các cựu chiến binh đã phải chờ đợi hàng năm và đấu tranh với các tổ chức thiếu trách nhiệm để có được bồi thường thương tật.
 
Phần 3 mang tên: “Được sinh ra trong tranh cãi” phản ánh về việc đâu là vai trò của chất làm rụng lá trong tỷ lệ những trẻ sơ sinh bị khuyết tật cao ở Việt Nam vẫn còn là câu hỏi hóc búa hàng thập kỷ sau chiến dịch rải hoá chất của Mỹ đã chấm dứt.
 
Phần 4 với tựa đề: “Chất độc vẫn dai dẳng” cho thấy các căn cứ không quân Mỹ cũ ở Việt Nam vẫn bị ô nhiễm nặng chất làm rụng lá, nhưng chính phủ Mỹ làm qúa ít để tẩy rửa các khu vực này.
 
Phần 5 kết thúc với chủ đề: “Chất diệt cỏ nguy hiểm hơn người ta nghĩ”. cho thấy rằng những quyết định của quân đội Mỹ và các công ty hoá chất từng sản xuất ra các loại chất diệt cỏ dùng trong Chiến tranh Việt Nam, đã tiến hành việc rải hóa chất một cách nguy hiểm hơn là cách thức mà lẽ ra, họ đã phải làm.
 

Phần 1: Di sản chết người của chất độc Da cam:

Đối với nước Mỹ, một số lượng kỷ lục chất khai quang độc hại vẫn đang gây ra những thiệt hại lớn. (Việt Nam, 4/12/2009)

 

Người cha Đỗ Đức Dịu ôm ngửa cô con gái Đỗ Thị Hằng, 19 tuổi bị di chứng chất độc Da cam dioxin từ người cha. (nguồn: Kuni Takahashi/ Chicago Tribune,  25/7/ 2009, Quảng Bình)

  Tại trung tâm bang Indiana, có hai chị em gái đang phải vật lộn ngày này qua ngày khác, khổ cực với những cơn đau từ cột sống và não gây nên. Họ đều ngoài 30 tuổi, nhưng cơ thể lại đang dần dần teo đi.

Cách đó hàng ngàn dặm, giữa những cánh đồng lúa Việt Nam, một người cha đang giữ chặt cô con gái 19 tuổi khi cô quằn quại trong cơn đau co giật do chất độc trong não cứ cuộn lên từng hồi trong suốt 4 năm qua.

“Các bác sĩ đều nói họ rất thông cảm, nhưng họ không thể chữa cho con tôi”, người cha nói. “Họ nói rằng tôi nên đưa con bé về nhà và con bé sẽ không thể sống lâu được nữa”.

Các cô gái này đến từ những nền văn hóa khác nhau, từ những quốc gia cách nhau hơn 8.300 dặm (gần 13.500 km). Những người cha của họ đã chiến đấu ở hai đầu chiến tuyến trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng họ đều có điểm chung khi cùng hứng chịu di sản “dai dẳng” của chất độc Da cam và những chất hóa học làm rụng lá khác mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam nhiều thập kỷ trước.

Chứa chất độc dioxin, được coi là chất độc hại nhất mà con người từng tạo ra, chất làm rụng lá có liên quan tới nguy cơ cao các căn bệnh ung thư phức tạp, các di chứng bẩm sinh và các căn bệnh khác khiến  chính phủ Mỹ ngày càng mất nhiều tiền bồi thường cho những cựu binh Mỹ và gia đình họ.  

Khoản tiền trả trợ cấp tàn tật cho cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam tăng 60% từ năm 2003, lên con số 13,7 tỷ USD năm 2008 và đến năm 2009 chiếm đến một nửa số tiền bồi thường mà Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ phải trả cho tất cả cựu binh Mỹ trong mọi cuộc chiến. Khoản phí bồi thường trung bình cho cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam cao hơn 41% số tiền bồi thường cho cựu binh Mỹ trong Chiến tranh Thế giới II và hơn 35% cho số lính Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Khoản trợ cấp thương tật này không bao gồm khoản chi phí trị giá hàng tỷ USD chăm sóc sức khỏe cho cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Chính phủ Mỹ sẽ chỉ phải trả khoản chi phí này nhiều hơn khi các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các tác hại của chất dioxin, khi các cựu binh Mỹ phải chịu đau đớn đến cuối đời và khi những đứa con của họ được phát hiện cũng bị mang bệnh. Tháng 9/2009, có thêm hai căn bệnh được liệt vào danh sách các loại bệnh mà cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam yêu cầu bồi thường- sự mở rộng danh sách mà theo Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ ước tính sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới 200.000 cựu binh Mỹ và tốn hàng tỷ USD hàng năm.

Trong khi đó, một số lượng lớn người dân Việt Nam không được nhắc đến – gồm rất nhiều người thậm chí không sống trong cuộc chiến cũng đang phải chịu đựng những căn bệnh có liên quan chặt chẽ tới chất làm rụng lá. Hiện có hơn hàng chục nghìn người sống trong vùng nguy cơ mắc bệnh do chất dioxin vẫn tồn tại trong môi trường ở hàng chục căn cứ quân sự cũ của Mỹ.

Đã hơn 30 năm kể từ khi chất Da cam Dioxin được công khai thừa nhận là mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe con người, Chính phủ liên bang Mỹ đã xác nhận một số lượng kỷ lục những người bị lãng quên.

Cuộc đấu tranh đòi tiền bồi thường cho những căn bệnh mà các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam phải chịu đựng đang đối mặt với sự trì hoãn và sự quan liêu của các quan chức Chính phủ Mỹ. Như làm tăng thêm sự thất vọng của họ, Chính phủ liên bang không bao giờ quan tâm đầy đủ đến tác hại của chất Da cam, và phớt lờ các yêu cầu nghiên cứu trên phạm vi rộng về vấn đề chất làm rụng lá ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe cựu chiến binh.

Tại Việt Nam, những đứa trẻ vẫn hát những bài hát về sự hủy hoại do chất Da cam gây nên, trong khi Chính phủ Việt Nam vẫn tự hỏi là làm sao Chính phủ Mỹ lại có thể hoàn toàn lảng tránh trách nhiệm khắc phục hậu quả tàn phá sức khỏe và môi trường của chất độc này, thậm chí ngay cả khi hai nước đang tăng cường phát triển mối quan hệ thương mại và quân sự. 

Từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995, Quốc hội Mỹ mới chỉ chi sáu triệu USD cho các vấn đề liên quan tới chất diệt cỏ tại Việt Nam, mặc dù Chính phủ Việt Nam cho biết việc giải quyết hậu quả này cần đến hàng chục triệu USD. Quỹ Ford, một tổ chức nhân đạo chú trọng tới chất Da cam đã cung cấp 11,7 triệu USD.

Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Báo chí điều tra, tờ Chicago Tribune đã có một tháng khảo sát tới tám tỉnh trên khắp Việt Nam để tiến hành gần 24 cuộc phỏng vấn người dân và các cựu chiến binh bị phơi nhiễm chất làm rụng lá.

Tờ Chicago Tribune đã sử dụng dữ liệu của các đơn vị quân đội Mỹ từng rải chất rụng lá xuống Việt Nam, phần mềm vẽ bản đồ và thiết bị định vị toàn cầu để chứng minh cho loạt phóng sự này. Tại Mỹ, loạt điều tra đã nghiên cứu hàng nghìn trang tài liệu của chính phủ Mỹ và khảo sát rất nhiều gia đình cựu chiến binh Mỹ để đánh giá tác động và tính toán cái giá phải trả cả về tiền của và những bất hạnh tinh thần.

Một số nhà khoa học vẫn còn nghi ngờ chất Da cam và các chất rụng lá khác là nguyên nhân trực tiếp của các căn bệnh. Nhưng với hàng trăm nghiên cứu độc lập được hoàn thành trong nhiều năm kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, đã có bằng chứng rõ ràng rằng những người bị phơi nhiễm các chất diệt cỏ có nguy cơ mắc phải các bệnh như bướu mô mềm hay ung thư hệ bạch huyết cao hơn người thường. Số lượng các dữ kiện y học liên quan tới chất rụng lá tiếp tục tăng cao.

Tranh cãi kéo dài chung quanh vấn đề các chất diệt cỏ ở cả hai nước là sự nhắc nhở nghiêm túc về những hậu quả không thể lường trước của chiến tranh ở thời điểm nước Mỹ đang lún sâu vào cuộc chiến lâu dài tại Iraq và Afghanistan.

Nhà dịch tễ học Jeanne Stellman, người có nhiều thập kỷ nghiên cứu chất Da cam cho Hội cựu chiến binh Mỹ và Viện khoa học Quốc gia Mỹ nói: “Chúng ta không biết câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì đã xảy ra với các cựu chiến binh Việt Nam?”. “Chính phủ Mỹ không muốn tìm hiểu câu trả lời này bởi như thế sẽ phải gánh nghĩa vụ pháp lý quốc tế và các vấn đề khác chung quanh chiến tranh hóa học, và  Chính phủ Mỹ sẽ thắng vì họ mạnh hơn, trong khi mọi người lại ngày càng già hơn và cũng bởi có nhiều cuộc chiến mới để lo lắng hơn.”

 

Sự phòng thủ chết người

  Quân đội Mỹ bắt đầu rải chất diệt cỏ xuống miền nam Việt Nam năm 1961, khi cuộc Chiến tranh Lạnh leo thang và Mỹ dường như bị ám ảnh bởi mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản. Việt Nam, một đất nước nhỏ bé bên bờ Biển Đông, bị chia cắt một nửa với miền bắc theo chủ nghĩa cộng sản. Được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh, những người cộng sản đã chiến đấu để tái thống nhất đất nước bằng việc làm sụp đổ chính quyền miền Nam Cộng Hòa được Mỹ bảo trợ.

Tài sản giá trị nhất của những người lính chiến đấu chống Mỹ có lẽ là thiên nhiên của miền nam Việt Nam. Những khu rừng nhiệt đới ba tầng tán phủ trùm các triền núi, những tấm thảm ruộng lúa và những khu rừng rậm rạp bao trùm chiến trường nơi ranh giới giữa “kẻ địch” và người dân thường không rõ ràng.

Thiên nhiên tươi tốt cho phép các lực lượng bắc Việt Nam tấn công, củng cố lực lượng và ẩn náu vào thảm thực vật dày đặc cùng với sự nuôi dưỡng của người dân địa phương.

Để chống lại điều này, quân đội Mỹ đã dử dụng chất hóa học làm rụng lá nhằm phá hủy các pháo đài tự nhiên bảo vệ quân địch. Trong hơn 10 năm, các lực lượng Mỹ và miền nam Việt Nam đã rải gần 20 triệu gallon (1gallon~3,8L) chất diệt cỏ xuống đất nước đông nam châu Á, đủ để trải thảm hồ Michigan bốn lần. Phần lớn việc rải chất hóa học này diễn ra ở miền nam, nhưng cũng có ở cả những khu vực biên giới với Lào và Campuchia.

Mặc dù chất Da cam là chất diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất, thực tế có cả nửa tá chất diệt cỏ mang màu sắc khác như Trắng, Xanh nước biển, Đỏ tía, Hồng và Xanh lá cây. Khoảng 65% số đó chứa chất TCDD-một dạng dioxin có độc tố cao, trong khi đó có hơn 1 triệu gallon chất diệt cỏ màu xanh nước biển chứa thạch tín.

Quân đội Mỹ đã ngừng sử dụng chất Da cam vào năm 1970 sau một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia chỉ ra rằng chất hóa học được tìm thấy trong một số hợp chất đã gây ra những dị tật bẩm sinh trên cơ thể động vật thí nghiệm. Ngay sau đó, Bộ trưởng Y tế Mỹ đã cho ngừng việc sử dụng hóa chất này tại nước Mỹ, hợp chất chứa dioxin được biết tới như chất 2,4,5-T.

Mặc dù vậy, việc rải chất hóa học này hạn chế hơn vẫn được tiếp tục tại Việt Nam một năm sau đó, nhưng chỉ với số chất diệt cỏ không chứa dioxin. Chương trình diệt cỏ với tên gọi “Operation Ranch Hand” chấm dứt vào năm 1971, bốn năm trước khi chiến tranh Việt Nam hoàn toàn kết thúc.

 

“Chúng tôi là kẻ bẩn thỉu”

  Gần bốn thập kỷ sau, trên con phố tĩnh lặng tại Brownburg- Indiana, Carrie Price-Nix và Amanda Price Palmer đã chấp nhận cuộc sống đau đớn kéo dài và tàn tật vĩnh viễn. Trong hơn 20 năm, hai chị em nhà Price phải trải qua 41 lần phẫu thuật, trong đó có năm lần phẫu thuật não, hai lần phẫu thuật cột sống và một lần cắt bỏ tử cung.

(Xem đoạn phim về hai chị em nhà Price: http://www.chicagotribune.com/videobeta/?watchId=9fa27737-b729-4a32-aa78-b4e09b0170ec)

Cha họ, ông Stephen Price từng là một thợ máy thuộc Không lực Hoa Kỳ phục vụ trong căn cứ không quân đóng tại Đà Nẵng năm 1967. Thậm chí cho đến nay, khu vực này vẫn chứa lượng TCDD cao gấp 365 lần mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho phép.

 

 

Ông Stephen Price thời còn phục vụ trong không quân Mỹ tại Đà Nẵng. (Ảnh: do nhân vật cung cấp)

  Ông Price chết vào tháng 4/2008 sau thời gian chiến đấu với căn bệnh bạch cầu, đái tháo đường và bệnh mụn cóc do nhiễm Clo, tất cả các bệnh này đều liên quan mật thiết với chất diệt cỏ được sử dụng tại Việt Nam. Ông bắt đầu nhận được khoản bồi thường tàn tật đầy đủ từ Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ vào năm 2005, sau hai năm chờ đợi  yêu cầu của ông được chấp nhận. Hai con gái của ông đều bị chứng dị tật cơ thể Chiari, một dạng khiếm khuyết cấu trúc não kèm theo bệnh nứt đốt sống, căn bệnh mà Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ thừa nhận là dị tật bẩm sinh có liên quan tới chất làm rụng lá ở đời con cháu của các cựu binh Mỹ.

Ông Price đã đệ đơn yêu cầu bồi thường cho cô con gái Price-Nix tới Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ vào tháng 7/2002. Sau ba năm sáu tháng, Price-Nix được nhận một phần bồi thường. Nhưng đến lúc đó, bàng quang của cô đã hỏng hoàn toàn, và cha cô thì đang hấp hối.

 

 

Carrie Price-Nix (trái) và chị cô Amanda Price Palmer mở phim chụp cắt lớp và so sánh các biểu hiện bệnh tại căn nhà ở Brownsburg, sau khi Palmer nhận được từ chối bồi thường từ Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ (ảnh: Chris Walker/Chicago Tribune, 1/12/2009).

  Palmer, cũng với những vấn đề sức khỏe như cô chị đã phải mất sáu năm để yêu cầu bồi thường từ Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ. Chị gái cô, Price-Nix nói: “Họ đang chờ em chết đi”. Tuần trước, cơ quan này đã từ chối yêu cầu của Palmer, viện cớ rằng căn bệnh của cô không liên quan tới bệnh nứt đốt sống.

Tình trạng thoái hóa các cơ bụng của Palmer bắt buộc cô phải thực hiện việc đại tiện bằng tay. Price-Nix có một thiết bị điều hòa để điều chỉnh ruột và phải tự thông ruột hàng ngày.

“Chúng tôi là kẻ bẩn thỉu”, Palmer nói một cách tếu táo, rồi hai chị em cô òa khóc khi nhận thấy thực tế sẽ không có gì khắc phục được tình trạng này.

Cách rất xa Brownsburg, tại miền trung Việt Nam, tỉnh Quảng Bình, có cô gái Đỗ Thị Hằng, 19 tuổi cũng chịu các căn bệnh như hai chị em nhà Price. Cô thường xuyên lên cơn co giật do chất độc tích tụ trong não. Cô không thể đi lại và khó điều khiển được ruột.

Bố mẹ cô chưa bao giờ nhận được chuẩn đoán chính xác bởi hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam còn nhiều thiếu thốn, nhưng biểu hiện đau đớn ở Hằng cho phản ánh những người phải chịu đựng chứng nứt đốt sống.

Khi còn là một người lính chống Mỹ, người cha 58 tuổi của Hằng, ông Đỗ Đức Dịu đã đóng quân bốn năm tại Căn cứ không quân A So bỏ hoang của Mỹ tại một thung lũng nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh dọc biên giới với Lào. Các lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã rải hơn 400.000 gallon chất diệt cỏ xuống thung lũng A lưới, tên cũ là A Shau.

Những nghiên cứu mới cho thấy các khu vực mà quân đội Mỹ cất trữ hóa chất diệt cỏ trong căn cứ không quân A So vẫn chứa hàm lượng lớn chất TCDD nguy hiểm.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ông Dịu và vợ, bà Phạm Thị Nức có tới 15 người con. 12 trong số đó đã chết trước tuổi lên ba, tất cả đều mắc chứng bệnh như Hằng. Những ngôi mộ nhỏ bé nằm trên ngọn đồi cát đằng sau căn nhà mà gần như ngày nào ông Dịu cũng thắp hương cho những linh hồn bé nhỏ.

 

 

Ông Đỗ Đức Dịu thắp hương cho 12 đứa con nhỏ nằm trong những ngôi mộ trên đồi cát. (ảnh: Kuni Takahashi/Chicago Tribune, 25/9/2009)

  “Tôi có thể nói tôi không biết tới tương lai, và cũng không biết tới hạnh phúc”, ông Dịu nói trong đau đớn.

(xem đoạn phim về gia đình ông Dịu:  http://www.chicagotribune.com/videobeta/?watchId=a9c58162-cd1c-41e8-adae-80eb8d99718c)

Những vết thương vô hình

Hiện tại các cựu binh Mỹ chỉ nhận được tiền bồi thường cho các bệnh liên quan tới chất diệt cỏ sau cuộc chiến lâu dài, khó khăn mà ở đó ranh giới giữa khoa học và chính trị thường mờ nhạt.

Một phần của vấn đề này là bởi các cựu binh Mỹ trở về quê hương với những vết thương vô hình. Cuộc chiến của họ để nhận được sự công nhận và tiền bồi thường cho những căn bệnh liên quan tới chiến tranh, bao gồm cả tình trạng rối loạn tâm lý sau chấn thương, đã mở ra cánh cửa cho các cựu  binh của mọi cuộc chiến tranh. 

Ông Stellman nói: “Cựu binh Mỹ nhận được sự chăm sóc tốt hơn hiện nay chính là nhờ có những người anh em Việt Nam”.

Nhiều nghiên cứu khoa học mới, nhiều điều tra bền bỉ về sự can thiệp chính trị trong các nghiên cứu được chính phủ Mỹ tài trợ và khoản tiền trị giá 180 triệu USD cho vụ kiện của các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam chống lại các công ty hóa chất, đã dọn đường cho Đạo luật chất Da cam ra đời năm 1991.

Giữa những điều khoản khác, luật pháp đã lập ra một danh sách “các bệnh liên quan tới chất diệt cỏ” mà các cựu chiến binh Việt Nam có thể được bồi thường.Danh sách này được gửi đến Viện Khoa học Quốc gia nhằm xem xét lại các nghiên cứu về các chất hóa học có trong chất diệt cỏ, và cứ sau hai năm lại đề xuất nhiều bổ sung vào danh sách đó. Các căn bệnh hay các dị tật bẩm sinh được đề xuất nếu nhiễm bởi chất làm rụng lá sẽ chắc chắn hơn là không làm tăng nguy cơ cho con người.

Kể từ đó, Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ đã bổ sung 15 căn bệnh cũng như 17 dạng dị tật bẩm sinh ở đời con cháu của các cựu binh Mỹ.

Một nguyên nhân khiến việc chậm bổ sung các loại bệnh là do Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ luôn dựa vào các nghiên cứu bên ngoài về điều kiện phơi nhiễm và các rủi ro công nghiệp thay vì  tiến hành một nghiên cứu dịch tễ học trên diện rộng ở các cựu binh, những người lần đầu tiên đệ đơn yêu cầu lên Quốc hội Mỹ vào năm 1979. Trong nhiều năm, cơ quan này nói sẽ không nghiên cứu tác động của chất diệt cỏ tới các cựu binh bởi không có cách nào để đo mức độ phơi nhiễm của họ.

 Tuy nhiên, theo Giáo sư Stellman- cựu giảng viên Khoa Sức khỏe cộng đồng của Đại học Columbia,  lời biện hộ đó không có giá trị lâu dài.

Cùng với vợ của mình, bà Steven, cũng là một giáo sư dịch tễ học đã thu thập được một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về công việc rải chất diệt cỏ và sử dụng chúng để phát triển mô hình phơi nhiễm. Nghiên cứu này của bà đã hai lần được Viện Dược phẩm, một cơ quan độc lập gồm các chuyên gia dược chuyên đề xuất các chính sách y tế giúp Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ đưa ra các quyết định, công nhận.

Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ cho biết năm 2003 Bộ này đã chấp nhận mô hình phơi nhiễm trên theo lời khuyên của Viện dược phẩm và đang đánh giá độ chính xác của mô hình này.

“Tôi ngạc nhiên là không ai theo đuổi mô hình này một cách hào hứng”, GS. David Savizt, một nhà vật lý của Trường dược phẩm Mount Sinai ở New York, là Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, đã phát thốt lên đầy kinh ngạc.

Vào tháng 8, Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ công bố một cuộc nghiên cứu trong ba năm về sức khỏe của cựu chiến binh Việt Nam, tuy nhiên nghiên cứu này lại không nhìn rõ khía cạnh khoa học của chất làm rụng lá như chất Da cam. Sau hơn ba thập kỷ kết thúc chiến tranh, kế hoạch mà nhiều cựu binh tin vào Chính phủ Mỹ đơn giản là ngày một lụi tàn dần.

Ông Paul Sutton, một cựu binh tại chiến trường Việt Nam và là cựu Phó chủ tịch hội Cựu chiến binh Việt Nam của Mỹ, đã nói rằng: “câu thần chú của Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ là hoãn, hoãn và hoãn cho đến khi chúng chết hết đi”.

Tướng Eric Shinseki đã nghỉ hưu, hiện đang làm Thư ký Bộ các vấn đề về cựu binh Mỹ đã phải thừa nhận mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa Bộ và các cựu quân nhân. Là người đã từng bị thương trong chiến đấu tại chiến trường VIệt Nam, ông Shinseki tuyên bố sẽ bảo vệ cho những ai xả thân vì đất nước.

Nhiều nghị sị của Quốc hội Mỹ cho biết hầu hết việc nghiên cứu về chất độc màu Da cam đang bị dồn ứ và trì hoãn đến mức bế tắc.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Filner, D-Calif, Chủ tịch Ủy ban Cựu chiến binh của Quốc hội cho biết: “Tôi không nghĩ họ muốn biết câu trả lời”, “Chi phí tài chính quá cao khiến ai cũng phải khiếp sợ”.

* Phóng sự thực hiện bởi Jason Grotto từ Việt Nam và Tim Jones từ Indiana.

BACK TO TOP