• 27/11/2013 17:25:02 | 44722 lượt xem

Chất độc da cam và dị tật bẩm sinh

Nói đến chất độc da cam (mà dioxin là một thành tố độc hại nhất), người ta nghĩ ngay đến ảnh hưởng của nó tới bệnh ung thư và nhất là dị tật bẩm sinh. Ngay từ thập niên 1960, giữa lúc chiến dịch phun hóa chất xuống miền Nam Việt Nam đang trong thời kỳ cao độ, qua một số nghiên cứu trên các động vật cấp thấp như chuột, các nhà khoa học Mỹ đã nhận thấy dioxin không những có khả năng gây ra ung thư, mà còn làm rối loạn hệ thống tái sản sinh và dị thai. Chính vì khả năng gây ra dị thai mà các nhà khoa học Mỹ đã yêu cầu Chính phủ Mỹ phải ngưng xịt chất màu da cam ở Việt Nam.

Dù được khuyến cáo như thế, chiến dịch phun hóa chất vẫn tiến hành mãi đến năm 1971 mới chấm dứt. Trong vòng 10 năm (1962 đến 1971), quân đội Mỹ đã phun xuống các làng xã thuộc miền Nam và Trung Việt Nam khoảng 77 triệu lít hóa chất, phần lớn là chất độc da cam. Đó là một số lượng hóa chất khổng lồ và quy mô của nó đứng vào hàng số 1 trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Một trong những vấn đề nhạy cảm, nhức nhối, từng gây ra nhiều tranh cãi một cách lâu dài liên quan đến việc sử dụng hóa chất trong cuộc chiến Mỹ - Việt là mối liên hệ giữa chất độc da cam và dị tật bẩm sinh trong con người. Vào khoảng cuối năm 1969 và đầu thập niên 1970, báo chí Sài Gòn có tường thuật nhiều trường hợp dị thai trong các vùng chịu ảnh hưởng chất da cam ở miền Nam Việt Nam. Nhưng chính quyền lúc bấy giờ không thu thập các dữ kiện khoa học liên quan đến hiện tượng này và do đó, một ảnh hưởng nghiêm trọng như thế cũng chỉ tồn tại trong những lời đồn đại bên lề. Đến cuối thập niên 1980, một số nghiên cứu từ Việt Nam cho thấy tỷ lệ dị tật bẩm sinh trong cư dân thuộc vùng bị ảnh hưởng chất da cam cao hơn một cách đáng kể so với cư dân các vùng không bị ảnh hưởng độc chất. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa được công bố chính thức trên các tập san chuyên môn trên thế giới và cũng không được đánh giá cao về mặt khoa học vì phương pháp nghiên cứu và phân tích dữ kiện chưa được xem là tối ưu.

Về phía Mỹ, sau khi chiến tranh kết thúc, các cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam báo cáo rằng họ có nhiều vấn đề về sức khỏe (như ung thư, tiểu đường, tâm thần, v.v...), và đặc biệt là họ cho rằng con cái họ có nhiều dị tật bẩm sinh hơn bình thường. Họ nghi ngờ dioxin chính là thủ phạm cho tình trạng suy giảm sức khỏe và dị tật bẩm sinh trong con cái. Để nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin trong cựu quân nhân Mỹ, Chính phủ Mỹ đồng ý dành ra một ngân khoản rất lớn (140 triệu Mỹ kim) để tiến hành các nghiên cứu trong giới cựu chiến binh Mỹ. Cuộc nghiên cứu này có tên là “The Operation Ranch Hand Study”. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu theo dõi tình trạng sức khỏe của hai nhóm cựu chiến binh từng tham gia vào chiến dịch Ranch Han trong thời chiến tranh: nhóm I gồm khoảng 1.000 người từng trực tiếp rải chất màu da cam xuống Việt Nam; và nhóm II có khoảng 1.300 người không trực tiếp rải chất màu da cam, nhưng có mặt trong nhà kho, bảo quản hóa chất. Một trong những kết luận của các nghiên cứu này là dioxin không có ảnh hưởng đến tỷ lệ dị tật bẩm sinh.

Nhưng những kết luận này bị giới cựu quân nhân chất vấn một cách gay gắt. Sau khi kiểm tra lại các phương pháp nghiên cứu và cách thức làm việc của các nhà khoa học dính dáng đến chương trình nghiên cứu trên, người ta khám phá ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn như có 2 báo cáo về tình trạng dị thai trong các cựu quân nhân bị nhiễm dioxin ở mức độ cao, nhưng không hề được công bố. Lại còn có một báo cáo về mối liên hệ giữa dị thai và dioxin bị thay đổi từ ngữ làm cho kết quả khi đọc lên cho người đọc một ấn tượng kém quan trọng! Phần lớn các nhà khoa học làm việc trong chương trình nghiên cứu này là giới quân sự, do đó, có thể họ chịu sự chi phối từ các cấp chỉ huy cao hơn trong việc phân tích số liệu và điều này làm cho người ta có lý do để chất vấn tính trung thực của việc làm của họ.

Ngoài các công trình nghiên cứu trong chương trình The Operation Ranch Hand study, còn có một số nghiên cứu độc lập khác. Để tổng kết các nghiên cứu cho có hệ thống, Quốc hội Mỹ ủy nhiệm cho Viện Y khoa (Institute of Medicine, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ) duyệt xét và tóm tắt các kết quả nghiên cứu. Để làm việc này, Viện Y khoa thành lập một ủy ban khoa học (gọi là “Committee to Review the Health Effects in Vietnam Veterans of Exposure to Herbicides) để xem xét, cân nhắc phương pháp và kết quả nghiên cứu, từ đó tổng kết thành một báo cáo cho chính phủ. Sau khi duyệt qua và cân nhắc các nghiên cứu có liên quan đến dioxin, ủy ban đã soạn thảo thành một loạt sách, trong đó, có một cuốn tóm lược tác dụng của dioxin đến sức khỏe.

Theo báo cáo mới nhất của ủy ban này, một trong những kết luận của họ là ủy ban cảm thấy chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học để kết luận về mối liên hệ giữa dioxin và dị tật bẩm sinh.

Đứng trên mặt khoa học mà nói, một trong những khiếm khuyết nghiêm trọng trong bản cáo của Viện Y khoa Mỹ là họ dựa vào các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tập san y học, mà không xem xét đến các kết quả nghiên cứu không được công bố. Như đề cập trên, một số nghiên cứu của chính các nhà khoa học Mỹ cho thấy dioxin có ảnh hưởng đến dị tật bẩm sinh, nhưng không bao giờ được công bố chính thức, trong khi đó, các kết quả nghiên cứu “tiêu cực” (tức dioxin không có ảnh hưởng đến dị tật bẩm sinh) thì lại được công bố chính thức. Trong nghiên cứu y học, hiện tượng này được gọi là “publication bias”.

Ngoài ra, bản báo cáo của Viện Y khoa Mỹ chủ yếu là một bản báo cáo định chất (qualitative review) hơn là định lượng (quantitative review). Nói một cách khác, kết luận của họ một phần lớn dựa vào những đánh giá tương đối chủ quan, dưới hình thức tường thuật, chứ không dựa vào những phân tích thống kê có hệ thống. Đây phải nói là một điểm yếu đáng kể, bởi vì thiếu những kết quả phân tích thống kê, người ta có thể phát biểu chủ quan, hay vặn vẹo sao cho phù hợp với quan điểm riêng của họ.

Trong khoa học nói chung và y học nói riêng, không một nghiên cứu duy nhất nào có thể cho ra một kết quả chắc chắn. Lý do đơn giản là một nghiên cứu chỉ quan tâm đến một nhóm đối tượng cụ thể nào đó, chứ không bao quát cho cả cộng đồng. Nhiều khi, như trong trường hợp nghiên cứu về dị tật bẩm sinh, một nghiên cứu thường dựa vào một số ít đối tượng và không đủ để phát hiện một mối liên hệ thực. Do đó, chúng ta không thể nào kết luận được từ kết quả của một nghiên cứu, bất kể kết quả đó “tiêu cực” hay “tích cực”. Vì thế, nhu cầu cho một phân tích tổng hợp các kết quả của nhiều nghiên cứu hết sức cấp bách trong tình hình hiện nay.

Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi tiến hành một phân tích tổng hợp (còn gọi là meta-analysis) nhằm cân nhắc tất cả các bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của dioxin đến nguy cơ dị tật bẩm sinh. Mục tiêu nghiên cứu nhằm trả lời một câu hỏi cụ thể: Những người từng tiếp xúc hay phơi nhiễm với chất độc da cam có nguy cơ sinh con với dị tật bẩm sinh cao hơn (hay thấp hơn, hay bằng) những người không từng tiếp xúc hay phơi nhiễm với chất màu da cam?

Chúng tôi truy tìm tất cả các nghiên cứu liên quan đến dioxin (hay chất màu da cam) và dị tật bẩm sinh trên khắp thế giới từ năm 1960 cho tới năm 2003 qua hệ thống thư viện y khoa Medline. (Medline là một hệ thống thư viện điện tử về sinh y học toàn cầu). Ngoài ra, qua theo dõi các hội nghị y khoa chuyên môn, chúng tôi biết có một số nghiên cứu chưa được công bố trên các tập san y học trên thế giới, nên chúng tôi hoặc liên lạc trực tiếp với tác giả, hoặc thu thập các số liệu được công bố trong các hội nghị.

Sau khi truy tìm và sàng lọc hơn 300 bài nghiên cứu liên quan đến dioxin/chất màu da cam và dị tật bẩm sinh, chúng tôi tìm được 9 nghiên cứu phù hợp với các tiêu chuẩn đã định trước (như phải là nghiên cứu trên con người, định nghĩa về phơi nhiễm rõ ràng, tiêu chí định nghĩa dị tật bẩm sinh phải theo tiêu chuẩn lâm sàng, loại bỏ các bài báo công bố hơn một lần, v.v...). Qua truy tìm những công trình nghiên cứu được trình bày trong các hội nghị khoa học và các nghiên cứu chưa được công bố trên một số tập san khoa học, chúng tôi phát hiện thêm 13 nghiên cứu nữa có thể dùng cho phân tích. Tính chung, số liệu của 22 nghiên cứu được dùng cho phân tích tổng hợp. Sau cùng, chúng tôi chỉ chọn các nghiên cứu trên người Mỹ hay cựu quân nhân Mỹ và kết quả cho thấy có tất cả 9 nghiên cứu có thể dùng làm phân tích tổng hợp.

Trong 9 nghiên cứu này, có đến 21.881 đối tượng, trong đó có 15.283 người được xem là bị phơi nhiễm chất độc da cam trong thời chiến và 6.598 người không từng bị phơi nhiễm độc chất. 6 trong số 9 nghiên cứu này cho thấy nhóm bị phơi nhiễm độc chất da cam có nguy cơ sinh con với dị tật bẩm sinh cao hơn nhóm không bị phơi nhiễm. Và trong 6 nghiên cứu này, chỉ có 1 nghiên cứu cho thấy mức độ liên quan có ý nghĩa thống kê; các nghiên cứu còn lại có số đối tượng khá thấp nên đứng trên phương diện thống kê mà nói, chưa đạt đến một mức độ tin cậy cao. Chẳng hạn như nghiên cứu của Kerr và đồng nghiệp (năm 1988) cho thấy những người bị phơi nhiễm độc chất có nguy cơ sinh con với dị tật cao hơn 3 lần so với những người không bị phơi nhiễm độc chất. Nhưng một nghiên cứu trên hơn 2.000 đối tượng cho thấy mức độ nguy cơ chỉ cao hơn 5%.

Vì thế, nhu cầu tổng hợp các nghiên cứu này rất cần thiết để cho ra một câu trả lời đáng tin cậy. Sau khi tổng hợp các dữ kiện của 9 nghiên cứu bằng các phương pháp thống kê tổng hợp, chúng tôi thấy nhóm bị phơi nhiễm có nguy cơ sinh con với dị tật bẩm sinh cao hơn nhóm không bị phơi nhiễm 1,63 lần. Nói cách khác, tỷ lệ dị tật bẩm sinh trong nhóm bị phơi nhiễm độc chất da cam cao hơn nhóm bình thường 63%.

Như vậy, tuy kết quả từng nghiên cứu đơn lẻ không cho ra kết quả với độ tin cậy cao, nhưng kết quả phân tích tổng hợp vừa được trình bày cho thấy, sau khi loại bỏ các yếu tố ngẫu nhiên, chất độc da cam có liên quan đến dị tật bẩm sinh và mối liên hệ này có ý nghĩa lâm sàng, bởi vì những người từng bị ảnh hưởng dioxin có tỷ lệ sinh con với dị tật bẩm sinh cao hơn 63% so với những người không bị ảnh hưởng độc chất. Đây là một phát hiện mới nhất và có thể nói là đáng tin cậy nhất từ trước đến nay về mối liên hệ quan trọng này. Công trình này xem xét và phân tích tất cả các nghiên cứu trong quá khứ, kể cả các nghiên cứu chưa bao giờ công bố mà các phân tích tổng hợp trước đây không xem xét đến.

Kết quả nghiên cứu này bổ sung cho một khám phá trước đây về mối liên hệ giữa dioxin và bệnh nứt đốt sống (spina bifida), một dạng dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Trong báo cáo của Viện Y khoa Mỹ, các tác giả kết luận rằng bằng chứng về ảnh hưởng của dioxin đến nguy cơ bị chứng nứt đốt sống coi như đã khẳng định. Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng phân tích ảnh hưởng của dioxin đến chứng nứt đốt sống và phát hiện rằng những cha mẹ bị ảnh hưởng dioxin hay chất độc da cam có tỷ lệ sinh con với chứng nứt đốt sống cao gấp 1,9 lần so với các cha mẹ không từng bị ảnh hưởng dioxin hay chất độc da cam.

Hàng loạt thí nghiệm khoa học cơ bản cho thấy dioxin là yếu tố gây ra nhiều rối loạn trong hệ thống tái sản sinh của động vật. Năm 1969, Hội đồng Y đức Nghiên cứu (Bioethics Research Council) báo cáo rằng 2,4,5-T (tức dioxin) có khả năng làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Cũng năm 1969, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một số thí nghiệm và họ kết luận rằng dioxin có thể gây ra dị thai (birth defect) trong chuột. Trong loài gặm nhấm, khi chuột mẹ bị tiếp nhận dioxin với một liều lượng thấp, kết quả là bào thai phát triển không bình thường. Khi chuột cái bị tiếp nhận dioxin, buồng trứng trở nên nhẹ hơn và 65% chuột đực con sinh ra bị chứng “cleft phallus” (nứt dương vật) và chuột cái con sinh ra với những âm hộ bất bình thường. Khi chuột đực bị tiếp xúc và phơi nhiễm với dioxin, lượng tinh trùng bị giảm, giao cấu khó khăn và quá trình dậy thì bị chậm trễ hơn bình thường. Trong con người, dữ kiện nghiên cứu từ Ý cho thấy trong những người cha với độ nhiễm dioxin càng cao tỷ lệ sinh con trai càng thấp. Nói tóm lại, có nhiều nghiên cứu cho thấy dioxin có khả năng can thiệp và ảnh hưởng xấu đến hệ thống tái sản sinh.

Có thể nói phát hiện của chúng tôi chỉ thể hiện một bước đầu trong việc nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin. Một bước quan trọng và cấp thiết hơn là tiến hành những nghiên cứu lâm sàng và khoa học cơ bản để xác định cơ chế của mối liên hệ này, đặc biệt là trên người Việt Nam. Đây cũng là một cơ hội cho phía Việt Nam tiến hành những nghiên cứu tiếp theo để làm sáng tỏ vấn đề.

Nghiên cứu tác hại của chất độc da cam trong các cư dân sống trong các vùng từng chịu phơi nhiễm độc chất rất cần thiết, bởi vì chúng ta có thể nói không ngần ngại rằng người Việt sống trong các vùng từng bị rải chất da cam chắc chắn chịu ảnh hưởng dioxin nhiều hơn và cao hơn những cựu chiến binh Mỹ. Người Việt là nạn nhân, người Mỹ là kẻ chủ động. Và nếu muốn thẩm định mối liên hệ giữa dioxin và sức khỏe, kể cả dị tật bẩm sinh, nạn nhân người Việt là đối tượng cần thiết hơn, thích hợp hơn người Mĩ. Có lẽ Việt Nam cần phải có một “ngân hàng máu” của nạn nhân và thân nhân của nạn nhân để dùng trong việc phân tích di truyền học sau này.

Nói tóm lại, phát hiện của chúng tôi như được trình bày trên đây cung cấp một bằng chứng tin cậy về tác hại của chất độc da cam (hay dioxin) đến nguy cơ dị tật bẩm sinh và việc này này đặt ra một nhu cầu nghiên cứu cấp thiết tại nước ta.

BACK TO TOP