- 13/02/2014 17:18:34 | 24049 lượt xem
“Thân cò” 71 tuổi nhặt đồng nát kiếm tiền nuôi con bệnh, cháu dại
Cuộc sống nhọc nhằn
Về thôn Chấn Lữ hỏi thăm gia đình bà Hán Thị Hương, người dân tận tình chỉ đường cho chúng tôi. Chị Ngọc - một người dân nơi đây - thở dài nói: “Anh chị cứ đi thẳng con đường này đến căn nhà nhỏ cuối xóm, nhà bà Hương ở đó. Nhưng giờ chắc bà đang đi nhặt chai lọ, sắt vụn chưa về đâu, chỉ có hai đứa con bệnh tật và đứa cháu nhỏ ở nhà thôi. Bà ấy đúng là số khổ, đến cuối đời mà vẫn phải lo cho con, cho cháu”.
Trời chạng vạng tối, bà Hương mới trở về nhà sau một ngày đi nhặt chai nhựa, đồng nát. Kéo vội chiếc ghế cũ mời khách ngồi trong căn nhà lụp xụp trống hơ trống hoác, không có gì giá trị, bà Hương trầm ngâm kể về cuộc đời hẩm hiu của mình. “Ngày còn trẻ, tôi lấy chồng cùng quê và sinh được 4 đứa con, đủ cả trai, gái. Nhưng nhà tôi mất sớm, các con còn thơ dại, một mình cố gắng làm lụng nuôi con khôn lớn. Nhưng con tôi không được như người ta, đứa nào cũng ốm đau bệnh tật liên miên”, bà Hương buồn rầu tâm sự.
Người con gái đầu là Bùi Thị Vân, năm nay 44 tuổi nhưng bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, lấy chồng nhưng hạnh phúc không trọn vẹn nên về nhà với mẹ đẻ. Lần lượt ba người con sau đó, hạnh phúc riêng tư cũng không trọn vẹn, trong đó người con trai út bỏ đi làm ăn xa, để lại đứa cháu nội cho bà chăm sóc. Người con gái thứ hai là Bùi Thị Ái đã qua hai lần đò nhưng đều đều tan vỡ nên gửi con gái từ khi mới 4 tuổi về cho bà nuôi dưỡng… Vừa kể, bà Hương vừa đưa đôi tay lấm lem bùn đất xoa tấm lưng còng cho đỡ đau sau một ngày dài đi bộ, khuôn mặt nhăn nhó vì đôi chân vốn bị bệnh xương khớp lại lên cơn đau.
Cuộc sống vốn đã khó khăn với người mẹ già một lúc phải gánh cả con bệnh, 2 đứa cháu thơ dại, giờ bà lại đột ngột nhận được tin dữ: Cô con gái thứ hai Bùi Thị Ái bị mắc căn bệnh u nang buồng trứng đã đến giai đoạn cuối, bác sĩ khuyên cần phẫu thuật gấp. Nhưng số tiền phẫu thuật quá lớn, chị Ái đành quay trở về nương tựa mẹ già, cầm cự với bệnh hiểm nghèo.
“Tôi tuổi cao, sức yếu, cũng chẳng làm được gì nhiều. Mỗi lần lấy thuốc cho các con lại vay mượn hàng xóm, láng giềng. Số tiền nợ lên đến 30 triệu rồi, chẳng biết lấy gì để trả”, bà Hương ngậm ngùi.
Đau đáu về tương lai của cô cháu gái ham học
Trong căn nhà trống rỗng không có gì giá trị ngoài tập giấy khen của cô cháu ngoại Phạm Thị Tuyết (con gái chị Bùi Thị Ái). Nhẹ nhàng lật giở từng chiếc giấy khen của cháu ngoại, nước mắt bà Hương lặng lẽ rơi. Bà sụt sùi kể: “Tuyết là đứa cháu ngoại đầu tiên của tôi. Bố mẹ nó không sống được với nhau nữa nên gửi cháu cho tôi nuôi từ khi 4 tuổi. Khi bé, ngày ngày nó lẽo đẽo theo tôi ra đồng, rồi mò cua bắt ốc, đi nhặt chai nhựa... Khó khăn vất vả, bà cháu nương tựa cùng nhau”.
Một tuổi thơ không êm đềm thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, mỗi khi bị bạn bè trêu chọc, Tuyết chỉ biết chạy về, sà vào lòng bà ngoại khóc. “Cái Tuyết hiếu thảo lắm. Nó thương ngoại già yếu, mọi công việc nhà đều cố gắng làm hết. Ngoài giờ học, cái Tuyết còn lo việc đồng áng, ngày rảnh rỗi thì tranh thủ sang xã bên nhận hàng thêu xuất khẩu về làm kiếm thêm tiền phụ tôi trang trải cuộc sống”, ánh mắt bà Hương sáng lên khi kể về cháu ngoại.
Vất vả khó khăn nhưng suốt 12 năm Tuyết đều đạt học sinh giỏi. Kỳ thi đại học vừa qua em thi đậu ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhờ sự đùm bọc của bà con xóm làng và những đồng tiền ít ỏi mà bà ngoại chắt chiu được, Tuyết đã lên trường nhập học.
Chiếc ghế giảng đường chưa kịp ấm chỗ, thì mẹ ốm nặng, con đường đến giảng đường đại học của em càng mù mịt hơn. “Em muốn theo học nhưng gia đình nghèo lắm. Bà ngoại ngày càng yếu rồi, bác gái và mẹ đang bị bệnh chưa có tiền chữa, đứa em 8 tuổi cũng đang đi học. Giờ em đang chuẩn bị xin rút hồ sơ thôi học”, Tuyết cúi mặt xuống, lau những giọt nước mắt lăn dài tâm sự.
Thương đứa cháu ngoại chăm ngoan, học giỏi, bà Hương ngậm ngùi: “Tôi già rồi, cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Cả cuộc đời tôi vất vả lam lũ nhưng không đủ ăn, chỉ mong cho cái Tuyết được ăn học nên người, thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng chắc không được nữa rồi. Thương cháu nhưng tuổi già sức yếu, tôi không đủ nuôi cháu nữa rồi. Nghĩ đến tương lai học hành của Tuyết dang dở có chết đi tôi cũng không an lòng”.
Dưới cơn gió đông đang về bên mái nhà trống hơ trống hoác, bà Hương lặng lẽ gạt dòng nước mắt thương cho số phận của con của cháu mình rồi đây sẽ ra sao.
Hơn lúc nào hết, gia đình bà Hương đang rất cần sự sẻ chia của các tấm lòng hảo tâm
Mọi sựg giúp đỡn xin vui lòng liên hệ:
Hội hoạt động trên nguyên tắc không vụ lợi, không vì mục đích chính trị, tôn giáo
Chỉ nhằm giúp mọi người biết được các hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam để giúp đỡ
Tel: (84-4) 6.2785649 - Mobile: 0904 679 583