• 16/12/2013 16:32:21 | 45534 lượt xem

Chất độc da cam - nỗi đau nối dài qua nhiều thế hệ

(Dân trí) - Thật xót xa cho những đứa trẻ sinh ra đã phải mang nhiều dị tật, khiếm khuyết cả về thể chất lẫn trí tuệ. Người cha người mẹ của các em cũng phải chịu nỗi đau dai dẳng suốt cả cuộc đời… Tất cả bởi thứ chất độc màu da cam.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều hoàn cảnh gia đình có người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, mỗi hoàn cảnh đều có những nỗi đau riêng. Thứ chất độc mang cái tên "mỹ miều" thật khủng khiếp và đáng sợ, nó không chỉ gây đau khổ cho người tiếp xúc mà còn để lại di chứng cho các thế hệ sau này. Và những con người trực tiếp gánh chịu nỗi đau ấy cũng thật dũng cảm và can trường biết bao…

Hơn 30 năm qua, mọi sinh hoạt của chị Từ Thị Dinh, con bà Tỏa đều diễn ra trong chiếc cũi gỗ
Hơn 30 năm qua, mọi sinh hoạt của chị Từ Thị Dinh, con bà Tỏa đều diễn ra trong chiếc cũi gỗ

 

12 lần đứt ruột tiễn con

Chúng tôi tới thăm gia đình ông Đỗ Đức Địu ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - người đã chịu nhiều đau đớn vì ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Có lẽ, trong số gần 7.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở Quảng Bình, ông Địu là trường hợp đáng thương nhất. Ông có tới 15 người con sinh ra đều mang di chứng da cam, trong đó 12 người đã chết. Nỗi đau kinh hoàng ấy, vợ chồng ông không thể nguôi ngoai.

Cuộc trò chuyện giữa tôi với người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu và đang gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh, thi thoảng lại bị gián đoạn khi bé Nga - con gái út của ông - cứ sà vào lòng ông nũng nịu. Có lúc bé Nga tiến lại gần tôi, bắt tay và nở nụ cười hồn nhiên, thân thiết.

 

Giây phút hạnh phúc của hai bố con ông Địu
Giây phút hạnh phúc của hai bố con ông Địu

 

 

Ông Địu cho biết, từ lúc sinh ra Nga không biết khóc, đến tháng thứ 8 thì bại liệt, tứ chi bất động, chỉ biết nằm một chỗ. Mấy năm gần đây, bệnh của Nga thuyên giảm, có thể tự đi lại được trong nhà nhưng mọi sinh hoạt cá nhân vẫn phải nhờ bàn tay bố mẹ. Mỗi khi thời tiết thay đổi, Nga thường kêu đau và thỉnh thoảng vẫn lên cơn co giật. 15 lần sinh nở, niềm vui của 2 vợ chồng ông Địu vẫn đơn giản là được nghe con gọi tên cha mẹ. Ngoài Nga đang sống cùng gia đình, ông Địu còn 2 người con gái, một người giờ đã lấy chồng sinh con nhưng những người cháu này của ông cũng mang những dị tật giống mẹ. Một người cháu của ông tên Đỗ Thị Hằng do bị bệnh quá nặng đã phải gửi ra làng chất độc da cam Hữu Nghị (Hà Nội).

Hồi tưởng lại quá khứ, ông Địu kể, ông tham gia kháng chiến năm 1972, phục vụ chiến đấu ở miền rừng núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong một lần về phép, ông gặp và đem lòng yêu thương cô gái Phạm Thị Nức, là một nữ TNXP cùng xóm. Không lâu sau 2 người kết hôn. Những tưởng đã tìm thấy hạnh phúc nhưng bất hạnh bắt đầu đeo bám gia đình ông từ đó. Những đứa con lần lượt được sinh ra đều mang dị tật rồi lại theo nhau về với cát bụi. Bất lực, đau đớn, vợ ông cũng chết đi sống lại nhiều lần vì sau mỗi lần sinh nở đều thấy các con mình mắc những căn bệnh quái lạ không giống ai. Mãi sau này ông đi bệnh viện khám mới biết đó là di chứng chất độc da cam mà ông là người chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Dẫn tôi lên ngọn đồi cát sau nhà, nơi yên nghỉ của 12 đứa con tội nghiệp, ông Địu ngậm ngùi nói: “Trước đây mộ của các các con nằm ở sau làng, qua mưa gió nên bị bào mòn hết, nấm mộ nhỏ nên tìm không ra. Năm 2007, được bạn bè giúp đỡ, tôi xây thành cái lăng nhỏ cho đỡ bị cát vùi và cũng để tiện ra đây hương khói cho các con bớt đi lạnh lẽo”.

 

12 phần mộ của những đứa con bị ảnh hưởng nặng của chất độc da cam là nỗi đau lớn trong đời ông Địu
12 phần mộ của những đứa con bị ảnh hưởng nặng của chất độc da cam là nỗi đau lớn trong đời ông Địu

 

 

Sau khi thắp hương lên từng phần mộ, ông Địu mới tiến tới cái am lớn chắp tay khấn vái. Đứng trước các con, mái đầu bạc trắng chịu nhiều đau khổ cầu khẩn cho linh hồn các con được thanh thản nơi chín suối và phù hộ cho gia đình sức khỏe. 12 nấm mồ của những đứa con không may mắn chỉ là những ụ đất nhỏ, không tên và chỉ gắn số thứ tự từ 1 đến 12. Thật xót xa, người lính gan dạ xưa kia chưa từng lùi bước trước kẻ thù thì nay đang đối diện với sự thật quá nghiệt ngã.

30 năm chăm con trong cũi gỗ

Rời xã Võ Ninh, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Tỏa ở thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Căn nhà nhỏ nơi 2 mẹ con bà Tỏa sinh sống đã trở nên xập xệ và hư hỏng nhiều nhưng chưa có điều kiện để sửa sang. Trong góc phòng chật hẹp, người phụ nữ tuổi lục tuần đang cố gắng vỗ về đứa con tội nghiệp. Phải mất chừng 10 phút, khi đứa con đã yên vị trong chiếc cũi gỗ, bà Tỏa mới bước ra ngoài trò chuyện cùng chúng tôi.

Như đoán được ý định của khách, bà Tỏa giải bày: “Cháu tên là Từ Thị Dinh, bị nhiễm chất độc da cam từ khi mới sinh ra. Cứ mỗi lần động kinh, thường kêu la, lăn lê khắp nhà, vớ được cái gì trong tay là ném vung vãi. Khi đó chồng tui còn sống, nhưng hai vợ chồng không tài nào giữ nổi đành phải thuê người đóng cho cháu chiếc cũi để cho con ở đó. Cho con ở bên ngoài lỡ không để ý, nó đi đâu thì không biết mần răng (làm sao) mà tìm. Từ đó đến nay, đã hơn 30 năm trôi qua, cuộc sống của chị Dinh chỉ gói gọn trong chiếc cũi gỗ nhỏ hẹp chừng 2 m2. Chỉ những khi có bà Tỏa ở nhà mới cho ra bên ngoài chơi một lúc rồi lại quay về chỗ cũ.

Chồng bà Tỏa là Từ Công Tuấn, đi TNXP rồi nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên những năm 1965 - 1970. Hòa bình, hai vợ chồng cưới nhau rồi bà sinh con gái đầu lòng tên là Từ Thị Dung, nhưng được 2 tuổi thì mất. Hai năm sau, đứa con gái thứ hai là Từ Thị Dinh ra đời, trọn vẹn hình hài. Nỗi vui mừng chưa được bao lâu thì vợ chồng tui phát hiện thân thể con cứ quặt quẹo dần, mắt vô hồn, tai không nghe được. Sau đó đưa đi khám các bác sĩ mới cho biết, Dinh bị câm, điếc, tâm thần do di chứng của chất độc da cam.

Thế rồi, vào năm 2011, ông Tuấn cũng bị bệnh ung thư rồi cũng bỏ mẹ con bà ra đi. Từ khi chồng mất, bà Tỏa phải bỏ hết ruộng nương để ở nhà chăm sóc con. Cuộc sống 2 mẹ con chỉ trông chờ vào đồng lương chế độ ít ỏi của chị Dinh nên cũng hết sức cơ cực. Gặp những khi thiếu ăn phải xin nhờ nhà hàng xóm hoặc kêu gọi anh em bà Tỏa giúp đỡ. Căn nhà do không được tu sửa nên qua mấy mùa nắng mưa cũng đã xiêu vẹo, mối mọt ăn hết. Bà ước ao có tiền để sửa sang lại ngôi nhà để mẹ con bà yên tâm mỗi mùa mưa bão.

 

Người mẹ đã qua tuổi lục tuần cứ vỗ về đứa con bị nhiễm chất độc hóa học
Người mẹ đã qua tuổi lục tuần cứ vỗ về đứa con bị nhiễm chất độc hóa học

 

 

Đưa chúng tôi vào căn phòng nơi Dinh ở, bà Tỏa nói: “Bây giờ thì nhìn nó ngoan như vậy thôi chứ khi các chú chưa đến nó hất tui ngã mấy lần. Lúc lên cơn động kinh thì la hét, vớ cái gì cũng vứt tứ tung. Tui già rồi không có sức nên nhiều lúc không dám đưa cháu ra ngoài mà chỉ cho con ăn uống trong cũi thôi. Nhiều lúc cho con ăn cũng xót xa lắm nhưng không biết mần răng được chú nờ”. Khó khăn như vậy nhưng ước nguyện của bà Tỏa cũng chỉ mong sao con bà có thể sống được ngày nào tốt ngày ấy, ít đau ốm.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng những di chứng của nó vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay. Những hoàn cảnh như ông Địu, bà Tỏa mới chỉ là phần nhỏ trong số hàng triệu nạn nhân bị phơi nhiễm do ảnh hưởng của chất độc điôxin trên đất nước này. Vẫn còn cần lắm sự đồng cảm và chung tay chia sẻ của cộng đồng xã hội nhằm xoa dịu những nỗi đau đang hiện hữu.

Đăng Đức

HỘI TỪ THIỆN XANH - VIET GREEN CHARITY
Địa chỉ: 102 H50 Ngõ 41/27 Phố Vọng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 04.62785649 | Fax: 04.36285415
Mobile: 090 4 679 583
Email: vietgreencharity@yahoo.com | tuthienxanh@gmail.com
Website: www.vietgreencharity.com
Yahoo Chat: vietgreencharity
Facebook: https://www.facebook.com/hoituthienxanh

BACK TO TOP