• 27/11/2013 17:14:58 | 34538 lượt xem

Chất độc da cam gây hậu quả lâu dài ở Việt Nam

Tác giả của bài báo này là nhà sinh thái học Furukawa Hisao, nguyên Giáo sư Đại học Kyoto, Giám đốc điều hành Hệ thống đoàn kết vì hòa bình và môi trường. TTXVN xin trích đăng một phần của bài báo đó về chất độc da cam ở Việt Nam:

Mở đầu

Cái chết là điều không thể tránh khỏi đối với một sinh vật. Có sinh thì có tử. Chính bởi vậy mà khoảng thời gian có sự sống là không thể thay thế được. Tuy nhiên, lại có một sự mâu thuẫn là để một sinh vật duy trì sự sống của mình, thì không thể tránh khỏi việc huỷ diệt một sinh vật khác. Sự băn khoăn khắc sâu mãi trong lòng đã được Gandhi giải tỏa. "Tự nhiên có thể đáp ứng những nhu cầu của con người. Nhưng tự nhiên không thể đáp ứng được sự tham lam của con người". Sự tàn phá gây ra bởi sự tham lam của con người đã để lại trong trái tim và cơ thể con người và trong môi trường đang nuôi dưỡng họ những vết thương không thể lành. Một số ít người, dưới danh nghĩa là phổ biến tự do và chủ nghĩa dân chủ, đã phổ biến sự tham lam đến mức phá hoại cả hệ thống gen, nơi duy trì mối liên kết của sự sống.

Hậu quả chất làm rụng lá ở Việt Nam

Viện trưởng Nguyễn Thị Hương mở cánh cửa kho, và tôi bước vào. Bây giờ nghĩ lại, đó chính là khoảng khắc tôi bước vào một lĩnh vực mới. Bà lấy tay chỉ những bình chứa mẫu xếp dọc tường. Tôi vẫn không thể quên được cảm giác sốc khi mắt đã quen với bóng tối, và nhận ra rằng đó là những bình chứa thi hài những trẻ sơ sinh ngâm trong phoocmôn.

Chúng tôi ra khỏi phòng chứa mẫu mã vẫn không thể thốt nên lời, theo chân bác sĩ Hương lên tầng 4 khu nuôi trẻ. Ở đó có rất nhiều trẻ em sinh ra với những hình thù kỳ dị. Và có mặt cả hai cháu Việt, Đức-những đứa trẻ sinh ra dính liền vào nhau và đã được phẫu thuật tách rời. Cháu Đức mặc dù phải ngồi xe lăn nhưng vẫn hướng dẫn chúng tôi từ phòng này sang phòng khác. Đó là một thanh niên 20 tuổi vẫn còn vẻ ngây thơ như một thiếu niên. Cháu nói được một chút tiếng Nhật, và khi được hỏi thích trở thành người thế nào, cháu nói muốn được học máy tính tại Nhật. Tại căn phòng Đức dẫn chúng tôi tới có Việt. Việt trong tình trạng phải nằm liệt giường, không nói được, ăn uống cũng phải nhờ mẹ hoặc y tá. Trong những chiếc giường kê kề bên có các cháu bị bệnh tràn dịch não hay bị dị tật về chân tay đang nằm, ngồi. Trong số những cháu bị bệnh tràn dịch não có những cháu đầu liên tục đu đưa sang phải trái không thể giữ nguyên được, có cháu lại liên tục đập mạnh đầu vào tường. Tôi phải tự động viên mình để thu hình các cháu vào video, nhưng cho đến giờ vẫn chưa đủ dũng cảm để xem lại.

Sau khi tôi về nước, khi xem cuốn "Chất độc màu da cam ở chiến trường" của Nakamura Shingo, có thống kê về các trường hợp sinh con dị tật bẩm sinh ở bệnh viện Chợ Rẫy. Tỷ lệ này vào thời kỳ trước khi Mỹ rải chất độc da cam là 0,2% và bắt đầu tăng từ khi Mỹ bắt đầu tiến hành rải chất làm trụi lá. Năm 1971, khi việc sử dụng chất độc màu da cam bị dư luận trong ngoài lên án và phải dừng lại, tỷ lệ này là 0,86% và nó tiếp tục tăng sau đó, đạt đến mức cao nhất là 1,6% năm 1986. 11 năm sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Sau đó tỷ lệ này giảm nhẹ và duy trì ở khoảng 1%. Đây là số liệu khi các sản phụ đã đến bệnh viện phụ sản, còn về những trường hợp trước khi đến bệnh viện, có cả các trường hợp đẻ non, thai chết, tình hình còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Có những nhà nghiên cứu Nhật quan tâm sâu sắc đến các ca sinh con dị thường ở Việt Nam. Đó là những người như ông R.Tatsukawa, T.Wakimoto trường Đại học Ehime, ông Harada, trường Đại học Kumamoto. Kết quả điều tra của nhóm chuyên gia y học do ông Harada dẫn đầu tiến hành tại làng Đốc Bình Cửu, tỉnh Đồng Tháp, đồng bằng sông Mêkông đã cho thấy sự đáng sợ. Đối tượng điều tra là 92 phụ nữ đã có con. Cho đến năm 1970, tỷ lệ đẻ dị tật là 0, nhưng sang đến thời kỳ 71-75 tỷ lệ này là 6,6%, thời kỳ 76-80 là 15,7%, tăng lên 19,6% trong thời kỳ 81-85 và đến tỷ lệ đáng kinh ngạc 30,3% trong thời kỳ 86-88. Đó là các trường hợp tràn dịch não, không não, thân dính liền nhau, các bệnh dị dạng về chi, không có nhãn cầu, bệnh hở hàm ếch, tuyến giáp, ngoài ra là các ca đẻ non, sảy thai, thai chết lưu. Đằng sau các ca dị tật bẩm sinh, đẻ non-sảy thai, thai chết là sự tăng lên bất thường ung thư tử cung và bệnh nhau nước. Bệnh nhau nước là bệnh mà các lông tơ trong tử cung có nhiệm vụ nuôi dưỡng trứng đã nhận tinh trùng bị biến dạng thành các u nang có hình dạng như hạt nho và không thực hiện được chức năng của mình.

Vậy nguyên nhân của những hiện tượng bất thường này là gì? Các nhà nghiên cứu Nhật Bản, và cả những người Việt Nam cho rằng đó là do trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ trong chiến dịch Ranch Hand đã rải chất làm rụng lá trên diện rộng ở miền Nam Việt Nam. Nguyên nhân chính là dioxin-một loại hoocmôn môi trường, là chất độc mạnh nhất trên trái đất-có chứa trong các chất này. Bản báo cáo của Wakimoto nói lên rằng chính nó là kẻ sát nhân gây nên cái chết của những thai nhi bởi bệnh nhau nước, cái chết của rất nhiều những thai nhi dù đã sinh ra với dị tật bẩm sinh nhưng cũng đã bị tử vong, cái chết của những bà mẹ do bệnh nhau nước biến chứng thành ung thư tử cung. Nhằm tàn phá những cánh rừng ngập mặn hay rừng rậm nhiệt đới, nơi trú ẩn của những người lính du kích hay những người lính từ miền bắc vào, quân đội Mỹ đã rải 90 triệu tấn chất làm rụng lá. Đứng trước mục đích không lựa chọn thủ đoạn. Mà không, có thể nói rằng thủ đoạn ở đây được tính toán kỹ càng. Trong phương châm đưa Việt Nam trở nên thời kỳ đồ đá trong 1 tuần như lời một tướng lĩnh của Mỹ đã nói, việc rải chất làm trụi lá là một lựa chọn mang tính lý luận. Như ngôn ngữ của họ nói, là loại bỏ cả chúa (thần linh). Họ cho rằng sự vật sẽ tiến triển theo những lý luận bàn giấy trong hoàn cảnh đó và bỏ qua thân thể của con người vốn do chúa tạo ra. Và kết quả là họ phá hoại cả hệ thống tạo gen di truyền, thậm chí có thể họ nói đã cấy mầm mống tàn phá vào hệ thống tạo gen di truyền.

Hậu quả lan rộng

Tác động ngược của sự tàn phá này không chỉ dừng lại ở Việt Nam. Những binh lính trở về sau khi đã tham gia chiến tranh Việt Nam, bị tắm trong "cơn mưa màu vàng" cũng phát sinh những hiện tượng bất thường, các loại bệnh như ung thư nội tạng, ung thư da, bệnh bạch cầu lành tính, bệnh Hodgkin (một loại bệnh bạch cầu ác tính).... xuất hiện rất nhiều. Ngoài ra, ở con cái của các cựu chiến binh cũng xuất hiện các loại bệnh như khuyết tật về tay hay cánh tay, biến dạng khuôn mặt, khuyết tật về thần kinh não... Năm 1978, các cựu chiến binh đã tiến hành vụ kiện tập thể các công ty sản xuất chất làm trụi lá. Các công ty sản xuất ban đầu hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm, song đến năm 1984 đã đột nhiên thay đổi thái độ và đề xuất việc thanh toán tiền hoà giải. Tuy nhiên, toà án liên bang cho đến nay vẫn không công nhận những dị tật trên có nguyên nhân là chất làm trụi lá.

Tại Việt Nam dường như ngay cả hiện nay những tác động của chất làm trụi lá vẫn lan rộng theo địa phương. Ban đầu người ta chú ý đến chiều hướng tăng các ca dị tật bẩm sinh tại miền Nam, nhưng những bất thường ở con cái các cựu chiến binh người miền Bắc tham gia chiến tranh cũng bắt đầu được thu hút sự chú ý. Điều đó đã được bà Mạc Thị Hòa, đại diện Quỹ cứu trợ nạn nhân chất độc màu da cam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam nói lên trong cuộc gặp tháng 12 năm 2004. Được biết, việc công nhận là nạn nhân chất làm trụi lá đã trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, tổ chức phi lợi nhuận (NPO) Hiệp hội nạn nhân chất độc màu da cam (VAVA) đã được thành lập năm 2003, với Chủ tịch danh dự của Hiệp hội là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, trong ban chấp hành có nhiều người là tướng lĩnh hay quân nhân. Ông Phó Chủ tịch Trần Xuân Thu cho biết, tháng 1/2004, VAVA đã khởi kiện tập thể các công ty Mỹ sản xuất chất làm trụi lá. Đây là lần đầu tiên người Việt Nam đã hành động giống như các cựu chiến binh Mỹ

Các bài viết khác

BACK TO TOP