- 27/10/2013 20:35:22 | 2739 lượt xem
Bà giáo trong truyện cổ tích
Bà chính là Phạm Hoàng Ngân, cựu giáo viên xóm 14 xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Suốt 40 năm liền, bà không có hộ khẩu và chỉ tá túc trong cái "chòi" bên đường quốc lộ 48B, ranh giới giữa hai xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ. Người đàn bà độc thân đó có tài sản đáng giá nhất trong cái chòi là tấm "Huy chương vì sự nghiệp giáo dục", do Bộ Trưởng Giáo dục ký tặng.
Bà Ngân sinh ngày 25/12/1949 tại Quỳnh Lâm, từ nhỏ đã chịu thiệt thòi với đôi chân tật nguyền không thể đến trường được. Nhà nghèo, cảnh đông anh em khiến gia đình "cố nông" khó lo cho bà được ít chữ làm vốn. Thế rồi ngày ngày nhìn các bạn trẻ tung tăng đến lớp khi đi qua nhà mình, bà vẫn nuôi ước mơ cháy bỏng được đến trường. Người anh trai quá đau lòng nên đành đưa em gái ra Hà Nội chữa trị.
Khi chập chững được trên một chân còn lại, bà đã vượt nắng, thắng mưa đến trường bằng chiếc xe đạp trị giá một tấn lúa của láng giềng, anh em góp lại. Sau đó, bà trở thành giáo viên tiểu học. Cô giáo Phạm Hoàng Ngân hết tình nguyện lên miền núi dạy học, rồi chuyển về quê dạy lũ trẻ trường làng, đến năm 2005, bà đã hoàn thành 40 năm dạy học và trở về nơi chôn nhau cắt rốn nghỉ hưu.
Bà giáo già bắt đầu đóng cọc, chăng dây làm cái lán để tá túc nơi mảnh đất được mua và trả tiền từ năm 1999. Khi dựng nhà cũng là lúc bà giáo già đi nhờ những học trò cũ của mình làm cái bìa đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho mình, nhưng không thành. Đến khi kiểm tra hộ khẩu bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân ba cấp, bà giáo già vẫn chưa có hộ khẩu. Sau hàng chục lần đầy vơi nước mắt, bà giáo đã được "khai sinh" với tấm hộ khẩu cấp ngày 13/6/2011 và có được lá phiếu cử tri để đi bầu cử.
Tiếp tục cầu cứu tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Ngân lê từng bước chậm rãi đi gõ cửa các cấp chính quyền với hàng đống giấy tờ mua bán, xác nhận, phiếu thu tiền, biên lai địa chính… Thế nhưng tất cả vẫn là con số không, chỉ vì bà không chồng, không con, không xe máy, không TV, không bao phong và cũng không người thân thích. Chản nản, bi quan, đau đớn, tủi nhục và bất lực khiến bà lâm vào căn bệnh ung thư dạ dày quái ác, rồi cắt bỏ lần lượt một phần ba sau cả năm điều trị. Bà đã tốn hàng chục triệu đồng vay mượn và tiền lương hưu nhỏ nhoi.
Ước mơ vào trại dưỡng lão lúc tuổi già của mình đến nay vẫn còn… bỏ ngỏ.
Nghĩ về bà mà tôi không sao cầm được nước mắt bởi quá đau lòng về những gì đang diễn ra trước mắt. Lẽ nào sự cống hiến của bà không ai biết đến? Lẽ nào trên cõi đời còn sót lại những mảnh ân tình nhỏ nhoi mà bà không cố lấy một cơ hội níu giữ chặt lại? Phải chăng sức khỏe của bà đã quá yếu?...
"Nếu chưa vào được trại dưỡng lão thì tôi phải tắt thở trong cái nhà đích thực của mình với cái giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên tôi", bà Ngân chia sẻ.
Theo vnexpress