- 17/12/2013 08:37:55 | 2309 lượt xem
Chuyện về “Người nâng cánh ước mơ tôi”
16 tuổi, mới vào lớp 10, cô học trò chăm ngoan, học giỏi người dân tộc Nùng đứng trước nguy cơ phải bỏ học để lấy chồng vì áp lực của gia đình. Với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, thương học trò, thầy giáo Trần Quốc Nhuận đã kịp thời ngăn một cuộc tảo hôn và tận tâm truyền dạy kiến thức, nâng cánh ước mơ đến với bục giảng cho cô học trò ham học.
Thầy trò Trần Quốc Nhuận và Lý Thị Thủy cùng bài viết đoạt giải nhất - Ảnh: H.MY |
Nhiều ngày nay, bài viết “Người nâng cánh ước mơ tôi” của cô giáo Lý Thị Thủy (SN 1982), giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS và THPT Sơn Giang (Sông Hinh) nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bài viết đã vượt qua 769 bài dự thi, đoạt giải nhất cuộc thi “Thầy tôi” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức. Câu chuyện có thật đầy nhân văn của cô giáo Thủy và người thầy của mình, thầy giáo Trần Quốc Nhuận (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) đã chạm đến trái tim của rất nhiều người.
Lý Thị Thủy là chị cả trong một gia đình người dân tộc Nùng ở xã Sơn Giang (Sông Hinh). Thu nhập từ nghề nông bấp bênh, không đủ để ba mẹ Thủy nuôi cùng lúc 4 người con ăn học. Cái nghèo và nạn tảo hôn của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi khiến nhiều bạn cùng lứa với Thủy phải nghỉ học lấy chồng. Trong làng, chỉ còn mỗi Thủy kiên trì đến trường với chiếc xe đạp cũ kỹ và quãng đường gần chục cây số. Năm 16 tuổi, đang học lớp 10, ba mẹ buộc Thủy nghỉ học để cưới chồng vì ông bà đã nhận sính lễ hỏi cưới từ gia đình của một chàng trai làm thợ điện ở cùng xã. Nuốt nước mắt và nỗi buồn, Thủy lặng lẽ đến trường. Nhưng sau đó, chuyện chuẩn bị có chồng khi còn đi học của Thủy bị bạn bè biết và trêu chọc, khiến cô mặc cảm, tự ti.
Biết hoàn cảnh trớ trêu của cô học trò chăm ngoan, học giỏi, thầy giáo Trần Quốc Nhuận, khi đó là Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Sơn Thành đã đến nhà 2 bên gia đình phân tích, vận động để Thủy được tiếp tục đi học, nuôi ước mơ. Một lần chưa được thì nhiều lần thuyết phục, thầy Nhuận dần khiến mọi người xem là người thân, khách quý của gia đình bởi sự nhiệt tình và cái tâm nhà giáo. Chính điều đó đã cảm hóa được 2 gia đình, họ quyết định chờ Thủy học hành đến nơi đến chốn rồi mới tính chuyện cưới xin. Nhờ sự tận tình của thầy cô, Thủy cũng hoàn thành chương trình THPT và xuất sắc thi đậu 3 trường đại học. Và rồi, cô học trò nhỏ đã quyết định theo nghề giáo bởi Thủy thán phục trước tính cách, nghị lực và tấm gương của thầy Trần Quốc Nhuận.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Tây Nguyên vào năm 2005, Lý Thị Thủy trở thành cô giáo Trường THCS và THPT Sơn Giang. Gần 8 năm đứng trên bục giảng, cô Thủy dồn cả tâm sức nâng đỡ cho nhiều học sinh nghèo thực hiện ước mơ của mình, như ngày trước thầy Trần Quốc Nhuận đã nâng đỡ, chắp cánh ước mơ cho mình. Câu chuyện ấy được cô giáo Lý Thị Thủy viết lại bằng cả tấm lòng, đầy xúc cảm trong bài viết “Người nâng cánh ước mơ tôi” được Ban giảm khảo chấm giải nhất và nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Cô giáo Lý Thị Thủy chia sẻ: “Thầy Nhuận giống như ngọn lửa, lan tỏa đến nhiều học trò, trong đó có tôi. Thầy như người cha tinh thần, lúc nào cũng ở bên, sẻ chia và cho tôi những lời khuyên để vượt qua khó khăn. Chính thầy đã khiến tôi yêu quý nghề giáo, theo gương thầy, tôi nguyện đem ngọn lửa đam mê, giúp các em vượt qua khó khăn để vươn đến ước mơ”.
Hơn thế, với cô giáo Thủy và nhiều lớp học trò, thầy giáo Trần Quốc Nhuận còn là tấm gương đầy nghị lực trong học tập. Năm lên 6 tuổi, thầy giáo Nhuận bị mất bàn tay phải do chiến tranh, nhưng bằng nghị lực và sự say mê học tập, thầy Nhuận đã có 2 bằng đại học, 1 bằng thạc sĩ.
Gặp thầy trò Trần Quốc Nhuận và Lý Thị Thủy trở về sau khi nhận giải tại TP Hồ Chí Minh, nhìn cử chỉ thân thương, chăm sóc của thầy Nhuận dành cho “cô trò” Thủy khi cô bị say xe giống như tình cảm của người cha dành cho đứa con gái, mới thấy rằng giáo dục không chỉ nằm trên những con chữ, mà còn là những bài học nhân văn về nghị lực sống và ước mơ. Thầy Nhuận tâm sự: “Với tôi, không có học sinh nào là học sinh “ruột”, chỉ có khi làm hết vai trò, trách nhiệm của một nhà giáo, học sinh sẽ quý trọng mình như một người thân ruột thịt”.
Từ nguy cơ làm vợ, làm mẹ sớm, tương lai mờ mịt, giờ đây, Lý Thị Thủy đã thỏa nguyện ước mơ trở thành cô giáo, có một mái ấm hạnh phúc với 2 đứa con kháu khỉnh cùng người chồng hết mực thương yêu, người mà cách đây 15 năm đã mang sính lễ đến nhà hỏi cưới.
KIỀU MY
HỘI TỪ THIỆN XANH - VIET GREEN CHARITY
Địa chỉ: 102 H50 Ngõ 41/27 Phố Vọng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 04.62785649 | Fax: 04.36285415
Mobile: 090 4 679 583
Email: vietgreencharity@yahoo.com | tuthienxanh@gmail.com
Website: www.vietgreencharity.com
Yahoo Chat: vietgreencharity
Facebook: https://www.facebook.com/hoituthienxanh