• 15/11/2013 16:29:42 | 1490 lượt xem

Giải độc cho Đất và Người

Cuộc chiến tranh chất diệt cỏ kết thúc năm 1972 nhưng 76,9 triệu lít chất khai quang, trong đó có 49,3 triệu lít chất da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam tiếp tục đe doạ người và đất tại các khu vực ô nhiễm dioxin. Một trách nhiệm rất lớn đặt ra cho không chỉ cho các nhà khoa học là sớm giải độc cho đất, cho người. Tháng 4 này có nhiều tín hiệu khả quan.

 

Chôn lấp đất nhiễm dioxin ở những điểm nóng
 
Có ít nhất 234.780 tấn đất bị ô nhiễm nặng tại ba điểm nóng cần được xử lý. Đó là sân bay và khu căn cứ quân sự cũ của Mỹ – sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Đà Nẵng và Phù Cát (Bình Định), những vùng đất đã bị sử dụng làm nơi tập kết chất diệt cỏ đã gây ô nhiễm dioxin nghiêm trọng. 
 
TS Mick Saito, chuyên gia tư vấn cao cấp, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho biết, dự án "Xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng của Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ sẽ giảm thiểu tối đa sự phá hủy đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người do dioxin rò rỉ ra môi trường từ các điểm nóng ô nhiễm.
 
Trong những tháng mùa khô đầu năm nay, khoảng 5.400m3 đất bị ô nhiễm dioxin trong sân bay Phù Cát (Bình Định) được chôn lấp. Đây là một trong những mục tiêu của dự án nói trên, TS Nguyễn Mỹ Hằng, trưởng phòng hợp tác quốc tế, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (Văn phòng Ban Chỉ đạo 33) cho biết. 
 
Quân đội Mỹ đã sử dụng sân bay Phù Cát làm nơi tập kết các máy bay đi phun rải chất diệt cỏ trong chiến tranh. Quá trình nạp, rửa máy bay trước và sau khi phun rải đã khiến dioxin nhiễm ở bốn khu vực là khu kho chứa (Z3), khu đệm (khu lan tỏa), khu bể sa lắng (cống lọc) và khu Z9 (khu Đông Nam và Đông Bắc sân bay).Việc phục hồi môi trường được tiến hành đồng thời với xây dựng bãi chôn lấp. 
 
Cần nhấn mạnh, công nghệ phân hủy sinh học làm sạch đất nhiễm dioxin – còn gọi là "công nghệ chôn lấp tích cực” – đã mở ra con đường làm sạch an toàn đất, trầm tích nhiễm chất diệt cỏ/dioxin với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay.
 
Từ năm 1999, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam do PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà đứng đầu đã nghiên cứu công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation) để khử độc chất diệt cỏ/dioxin tồn đọng do chiến tranh để lại. Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ sinh học cùng các viện chuyên ngành của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng), sau 27 tháng xử lý, phân tích và đánh giá định kỳ ở 4 lô, đã chứng minh công nghệ chôn lấp tích cực thành công. Đã làm sạch được đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin tại sân bay Biên Hòa với lượng dioxin còn lại dưới mức cho phép đối với đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp được Nhà nước phê duyệt.
 
Truyền thông góp phần khắc phục hậu quả dioxin
 
Tháng 4 này tại Hà Nội diễn ra hội thảo "Xây dựng chiến lược truyền thông về phòng chống phơi nhiễm chất da cam/dioxin ở Việt Nam” do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) tổ chức. PGS.TS. Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định: Xây dựng chiến lược truyền thông về phòng chống phơi nhiễm chất da cam/dioxin chính là nâng cao chất lượng thông tin về tác hại của chất da cam/dioxin, các nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe, bảo vệ sức khỏe người dân sống gần các điểm nóng. 
 
Chuyên gia Dự án "Xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng của Việt Nam” phát biểu tại hội thảo cho biết: Nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và một số nhà khoa học nước ngoài thực hiện, trong đó có công trình nghiên cứu dịch tễ học ở hơn 47.000 cựu chiến binh, đã khẳng định cơ cấu, tỷ lệ bệnh tật, đặc biệt các bệnh ung thư, tai biến sinh sản, di tật bẩm sinh ở thế hệ con và cháu của những người có tiền sử phơi nhiễm chất da cam cao hơn hẳn so với nhóm không tiếp xúc với chất da cam. 
 
Các nhà khoa học Việt Nam cũng phát hiện thấy một số biến đổi gen, nhiễm sắc thể, proteine, suy giảm miễn dịch ở những người có tiền sử phơi nhiễm chất da cam và có nồng độ dioxin cao trong máu. Dioxin có trong chất da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là một trong những nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ người khuyết tật ở Việt Nam rất cao. 
 
Trung tâm khử độc tố dioxin tỉnh Thái Bình một năm qua đã tiến hành khử độc cho khoảng 300 người bệnh, theo Thiếu tướng, PGS, TS Trần Xuân Thu, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Hiện nạn nhân chất độc da cam được miễn phí hoàn toàn số tiền điều trị tại Trung tâm, Nhà nước hỗ trợ một phần và sự quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước do tỉnh Hội các tỉnh cân đối. Song việc phân tích độc tố trong cơ thể, nhất là dioxin rất tốn kém (khoảng 2000 USD/1 mẫu phân tích), nên chưa phân tích lượng độc tố trong cơ thể người bệnh trước và sau khi khử độc. Thiếu tướng cũng cho biết, Bộ Quốc phòng đã quyết định xây dựng 2 trung tâm khử độc ở Bệnh viện 103 và Bệnh viện 175, áp dụng công nghệ của Trung tâm khử độc tố đi-ô-xin ở Thái Bình. 
 
Cuộc chiến tranh chất diệt cỏ ở miền Nam Việt Nam là cuộc chiến tranh chất diệt cỏ lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Giờ đây những Trung tâm khử độc cần nhân rộng cả nước.

HỘI TỪ THIỆN XANH - VIET GREEN CHARITY
Địa chỉ: 102 H50 Ngõ 41/27 Phố Vọng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 04.62785649 | Fax: 04.36285415
Mobile: 090 4 679 583
Email: vietgreencharity@yahoo.com | tuthienxanh@gmail.com
Website: www.vietgreencharity.com
Yahoo Chat: vietgreencharity
Facebook: https://www.facebook.com/hoituthienxanh

Các bài viết khác

BACK TO TOP