- 15/11/2013 16:25:44 | 1545 lượt xem
Một dự án nhân văn với nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin
Dự án này có sự tham gia của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và đã được Bộ Y tế phê duyệt, cho triển khai tổ chức thực hiện. Khi tiếp cận nghiên cứu đề án, đặc biệt là triển khai hội thảo, tập huấn cho báo cáo viên tại 3 tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Nai; tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân chất độc da cam và những người khuyết tật tại 3 địa phương trên, chúng tôi cảm nhận thấy dự án không chỉ có tính chiến lược, mà còn mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc.
Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam do đế quốc Mỹ gây ra, ở Việt Nam có khoảng 3,6 triệu ha rừng và đồng ruộng đã phải hứng chịu khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ và làm rụng lá cây, trong đó chiếm tới 61% là chất da cam. Ước tính 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm đi-ô-xin, trong đó có khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, nhiều nạn nhân là trẻ em ở thế hệ thứ 2, thứ 3. Hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người còn đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo và như vậy, đồng nghĩa với việc họ là những người nghèo nhất trong số những người nghèo, đau khổ nhất trong số những người đau khổ.
Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin được hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng tại gia đình.
Thấu hiểu nỗi khổ đau của những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, Giáo sư Lê Ngọc Trọng, Tiến sĩ Phan Văn Tiến, PGS, TS Trần Trọng Hải, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thủy cùng đồng nghiệp ở Trường Đại học Y tế Công cộng và Bộ Y tế đã có ý tưởng xây dựng và được Bộ Y tế phê duyệt, triển khai tổ chức thực hiện dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Xuyên suốt nội dung dự án chứa đựng tính xã hội và tính nhân văn sâu sắc, được thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, đó là, dự án đã giúp và tạo điều kiện để nạn nhân, người khuyết tật có niềm tin sức mạnh vào tập luyện, học tập và khả năng lao động, nhìn thấy tương lai cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng. Em Phạm Huyền Trâm, sinh năm 1991, ở ấp 8, xã Bầu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho chúng tôi biết: “Khi con sinh ra đã không được bình thường như người ta. Đôi chân con bị dị tật, gia đình con nghèo không có khả năng chữa chạy, việc đi lại của con rất khó khăn. Bao năm qua, con luôn sống trong sự tự ti, mặc cảm… Bây giờ nhờ dự án, con được mổ chân nên đi lại cũng bớt khó khăn hơn trước, con thấy cuộc sống của mình tươi vui hơn..”. Còn chị Nguyễn Thị Nhâm ở thôn Quỳnh Lang, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình tâm sự: “Là người khuyết tật cả tay và chân, lại mắc bệnh động kinh phải dùng thuốc hằng ngày…, tôi cảm thấy chán nản. Nhưng từ khi có dự án, được các cộng tác viên hướng dẫn luyện tập một tháng 3 lần tại nhà, các bài tập vận động khớp nhỏ ở bàn tay, cổ tay, gập duỗi khớp gối, khớp cổ chân, dần dần tôi cử động dễ dàng hơn, tôi cảm thấy tinh thần thoải mái và hăng say luyện tập. Tôi đã giúp được việc gia đình như nấu cơm, quét dọn nhà cửa, bế cháu, tự lo sinh hoạt cá nhân, tôi cảm thấy vui hơn, sống có ích hơn”.
Điều khác biệt thứ hai là, dự án đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên về phục hồi chức năng tại cộng đồng. Với tấm lòng cao cả, sự nhiệt tình, tận tụy, đội ngũ cộng tác viên đã không quản ngại khó khăn, thường xuyên đến thăm các gia đình và tập phục hồi chức năng cho nạn nhân, người khuyết tật tại nhà. Ý nghĩa lớn lao ở chỗ, nạn nhân, người khuyết tật không phải đi xa mà luyện tập ngay tại gia đình rất hiệu quả. Đội ngũ cộng tác viên chính là cán bộ y tế xã, huyện, tỉnh và chính là nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân, người khuyết tật, hoặc những người thân trong làng, xóm. Họ không những hướng dẫn tập luyện mà còn chia sẻ tình cảm, tình thương yêu đối với nạn nhân, người khuyết tật. Chúng tôi xin trích lời anh Huỳnh Minh Thiên (40 tuổi) ở ấp 4, xã Phước Bình, Long Thành, Đồng Nai nói về cảm nhận của mình đối với đề án: “Trước đây, những người khuyết tật chúng tôi rất tự ti, mặc cảm với hoàn cảnh của mình, sống khép kín và không có cơ hội hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của những người làm công tác phục hồi chức năng của dự án mà chúng tôi có cơ hội nhận thức được sự tự vươn lên, dần xóa bỏ các mặc cảm và hòa nhập với xã hội”.
Sau 5 năm (2008-2013) triển khai hoạt động dự án, số nạn nhân và người khuyết tật được điều tra và phát hiện là 14.883 người; có 592 cộng tác viên được tập huấn; khám sàng lọc cho 6.670 nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật ở 3 tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Nai, trong đó có 655 trường hợp được chỉ định phẫu thuật; 1.286 người được chỉ định dụng cụ trợ giúp các loại. Hướng dẫn gia đình nạn nhân chất độc hóa học và người khuyết tật làm 1.386 dụng cụ trợ giúp tự tạo để giúp người khuyết tật tập luyện tốt hơn. Trong 3 năm từ 2011 đến 2013, tại 3 tỉnh trên, dự án đã tiến hành phẫu thuật cho 75 lượt nạn nhân và 889 lượt nạn nhân được phục hồi chức năng tại viện. Trên phạm vi cả nước, đã tổ chức 6 lớp, có gần 300 học viên là cán bộ chủ chốt về phục hồi chức năng của 60/63 tỉnh, thành phố. HỘI TỪ THIỆN XANH - VIET GREEN CHARITY |