• 27/11/2013 16:50:48 | 2436 lượt xem

Vũ khí hóa học, nỗi ám ảnh lịch sử

Vị tướng Robert E. Lee nổi tiếng trong cuộc nội chiến Mỹ đã từng thốt lên: “Thật tốt khi chiến tranh là thứ khủng khiếp, nếu không chúng ta sẽ phải say mê nó.” Quả thật, chiến tranh vô cùng khủng khiếp, bởi đó là trò chơi chết chóc của bom, đạn và rất nhiều thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Một trong những thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt kinh hoàng nhất được sử dụng từ thời xa xưa và gây ra cái chết đau đớn cho rất nhiều người chính là vũ khí hóa học.

Vũ khí hóa học là loại vũ khí sử dụng chất hóa học độc hại gây tổn thương, nguy hại trực tiếp cho người, động vật và cây cỏ. Là một trong những loại vũ khí hủy diệt gây chết người hàng loạt, vũ khí hóa học dựa trên đặc điểm độc tính cao và gây tác dụng nhanh của chất độc quân sự để gây tổn thất lớn cho đối phương.

Từ thời xa xưa, con người đã biết sử dụng vũ khí hóa học nguyên sơ trong các cuộc xung đột để làm tiêu hao sinh lực và gây ra cái chết đau đớn cho đối phương, điển hình là những mũi tên tẩm thuốc độc hoặc việc bỏ thuốc độc xuống các giếng nước hay dòng suối để hủy diệt hàng loạt sinh mạng trong thời gian ngắn.

 - 1

Từ xa xưa con người đã biết dùng tên tẩm độc để tiêu diệt đối phương (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử loài người diễn ra vào khoảng năm 256 trước Công nguyên. Bằng chứng khảo cổ về cuộc chiến tranh bằng vũ khí hóa học cổ xưa nhất cũng được tìm thấy ở Syria (do người La Mã kiểm soát vào thế kỷ thứ 3). Nhà khảo cổ Simon James thuộc Đại học Leicester cho biết họ đã phát hiện hỗn hợp nhựa đường và lưu huỳnh bị đốt cháy tạo ra khí độc sát hại khoảng 20 lính La Mã khi họ vẫn đang nắm chặt vũ khí trong một đường hầm dưới thành phố Dara-Europos.

Theo ông James, vào thời điểm năm 256 sau Công nguyên, quân đội của Đế quốc Ba Tư Sasanid đang tấn công thành phố Dara-Europos do quân La Mã kiểm soát và đào các đường hầm bên dưới thành phố này. Quân La Mã cũng đào hầm để chống lại những kẻ xâm lược, tuy nhiên quân Sasanid lại có trong tay vũ khí hóa học. Có thể quân Sasanid đã sử dụng hỏa lò và ống bễ để bơm khí độc vào đường hầm của quân La Mã, sát hại tất cả binh lính có mặt bên trong đường hầm.

 - 2

Hình vẽ mô phỏng cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đầu tiên trong lịch sử

Tuy có thể tiêu diệt được nhiều sinh lực địch trong thời gian ngắn nhưng do những hạn chế về công nghệ và các yếu tố lịch sử khác, vũ khí hóa học không được sử dụng phổ biến trong những cuộc chiến tranh sau đó. Vũ khí hóa học bắt đầu được sử dụng trên quy mô lớn và trở nên ngày càng phổ biến từ thế kỷ 20, đặc biệt là từ khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ.

Thế chiến 1 được gọi là “cuộc chiến của các nhà hóa học” vì những loại khí độc chết người được sản sinh trên chiến trường của cuộc chiến tranh này, đặc biệt là từ sau trận chiến Ypres lần thứ hai.

Trận chiến Ypres lần thứ hai diễn ra trên Mặt trận phía Tây từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1915 giữa quân đội Đế quốc Đức và liên quân Anh, Pháp và Canada. Trong trận chiến này, quân Đức đã gây thiệt hại nặng nề cho liên quân, và sự chênh lệch lực lượng này đạt được là do quân Đức lần đầu tiên sử dụng khí độc trên quy mô lớn.

Trước trận chiến này, quân Đức đã từng sử dụng hơi độc trong trận Bolimov (1915) trên Mặt trận phía Đông nhưng tại đây hơi độc đã bị đóng băng do thời tiết lạnh. Ngày 22/4/1915, sau một đợt pháo kích ngắn ngủi, quân Đức bắt đầu thả hàng ngàn ống khí clo màu vàng xanh trên khắp mặt trận hướng về phía quân Pháp tại Gravenstafel.

 - 3

Khí độc được thả trên chiến trường trong Thế Chiến 1

Hàng trăm lính Pháp đã hít phải thứ khí cực kỳ độc hại này và thiệt mạng trên chiến trường, số còn lại bỏ chạy tán loạn, khiến cho tuyến phòng thủ tưởng rất vững chắc của quân Pháp bị tan vỡ. Khí độc đã tạo nên một lỗ hổng rất lớn trên chiến tuyến của phe Hiệp ước ở hướng bắc Ypres, khiến cho quân Anh và quân Canada đứng trước nguy cơ bị quân Đức thọc sâu tấn công.

Tuy nhiên, chính quân Đức cũng quá bất ngờ và bàng hoàng trước sức hủy diệt kinh khủng của loại vũ khí mới này mà quên mất nhiệm vụ tấn công. Nhờ đó, quân Canada đã được kịp thời điều đến trám vào lỗ hổng. Quân Canada đã giữ được trận tuyến, mặc dù phải chịu tổn thất vô cùng lớn về lực lượng.

Sau trận chiến này, khối Hiệp ước vẫn lúng túng chưa tìm ra cách nào khả dĩ để chống lại khí độc của quân Đức. Mãi sau này họ mới phát hiện ra rằng khí clo tan trong nước, do đó họ đề ra biện pháp phòng chống hơi độc tạm thời là yêu cầu binh lính mặc quần áo ướt hoặc dùng khăn mặt thấm nước tiểu phủ lên mặt.

Nhờ biện pháp này mà quân Canada đánh lui được cuộc tấn công bằng hơi độc của quân Đức vào ngày 24/4/1915. Tuy nhiên, một loại khí độc khác là khí mù tạt (mustard gas) lại khó phòng tránh hơn và gây ra những vết rộp vô cùng đau đớn trên các vùng da hở của quân lính. Quá sợ hãi trước sức hủy diệt khủng khiếp của khí độc, quân Hiệp ước đã phải rút lui ra khỏi cao điểm Ypres.

 - 4

Những người lính vô cùng đau đớn khi hít phải khí độc

Nhờ sử dụng vũ khí hóa học trên quy mô lớn khắp toàn mặt trận, quân Đức đã dành được những ưu thế nhất định trên chiến trường. Tuy nhiên cái giá mà người Đức phải trả cho chiến thắng trong trận Ypres này là thái độ khinh ghét của cộng đồng quốc tế đối với thứ vũ khí hóa học độc hại này của Đức.

Với khoảng 100.000 người thiệt mạng vì các cuộc tấn công bằng khí độc của cả hai phe trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) đã soạn thảo một tài liệu quy định nghiêm cấm sử dụng vũ khí hóa học và sinh học.

Nghị định thư Geneva tuyên bố “việc sử dụng các loại khí gây ngạt, khí độc và các loại khí khác cũng như các chất lỏng, vật liệu và thiết bị tương tự trong chiến tranh sẽ bị toàn thể thế giới văn minh lên án nghiêm khắc.” Hơn 30 quốc gia đã ký vào Nghị định thư Geneva năm 1925, và ngày nay đã có hơn 100 quốc gia tham gia vào Nghị định thư này.

Mặc dù đã có quy định quốc tế nghiêm cấm sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh, thế nhưng thứ “vũ khí của quỷ” này vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và những cuộc chiến sau này, và nguy hại hơn là trong những cuộc tấn công khủng bố chống lại dân thường.

 

Chứng kiến sức hủy diệt kinh hoàng của vũ khí hóa học trong Thế Chiến 1, nhiều quốc gia trên thế giới và Hội Quốc Liên đã ký Nghị định thư Geneva cấm sử dụng các loại chất độc hóa học trong chiến tranh. Tuy nhiên, không mấy quốc gia nghiêm túc tuân thủ Nghị định thư này, bởi vũ khí hóa học có khả năng hủy diệt tương đương vũ khí hạt nhân mà lại rất rẻ và dễ chế tạo khiến cho vũ khí hóa học lại một lần nữa trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của nhân loại, đặc biệt là trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

 - 1

Các chuyên gia vũ khí vẫn liên tục nghiên cứu các loại vũ khí hóa học

 

Chứng kiến sức hủy diệt kinh hoàng của vũ khí hóa học trong Thế Chiến 1, nhiều quốc gia trên thế giới và Hội Quốc Liên đã ký Nghị định thư Geneva cấm sử dụng các loại chất độc hóa học trong chiến tranh. Tuy nhiên, không mấy quốc gia nghiêm túc tuân thủ Nghị định thư này, bởi vũ khí hóa học có khả năng hủy diệt tương đương vũ khí hạt nhân mà lại rất rẻ và dễ chế tạo khiến cho vũ khí hóa học lại một lần nữa trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp của nhân loại, đặc biệt là trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

 - 1

Các chuyên gia vũ khí vẫn liên tục nghiên cứu các loại vũ khí hóa học

Thế Chiến 2 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt vũ khí hóa học mới với sức hủy diệt và hậu quả để lại cho con người ngày càng kinh khủng hơn. Lúc bấy giờ, với sự phát triển của khoa học công nghệ, guồng máy kỹ nghệ chiến tranh hoạt động hết công suất và tạo ra những sản phẩm hủy diệt hàng loạt “ngoài sức tưởng tưởng của con người”. Một trong những loại vũ khí đó chính là bom napan.

Napan là một loại hóa chất giống như xăng nhưng có khả năng bám dính rất cao vào bề mặt các vật thể khác. Napan dễ bốc cháy, khi cháy có khói màu đen, lửa màu vàng, có mùi khét và tạo ra nhiệt độ từ khoảng 800 đến 1000 độ. Loại hóa chất giết người này được nhà hóa học Louis Fieser và nhóm nghiên cứu ở trường đại học Havard tạo ra vào năm 1943.

Fieser phát minh ra napan để sử dụng làm một loại chất diệt cỏ hữu hiệu, thế nhưng quân đội Mỹ nhanh chóng nhận ra năng lực hủy diệt của nó, và lập tức biến nó thành một thứ vũ khí hóa học trong chiến tranh bằng cách nhồi napan vào bom, tạo ra những quả bom cháy có trọng lượng và phạm vi gây cháy khác nhau.

Bom napan lợi dụng đặc tính của napan để gây bỏng nặng, bỏng sâu cho người. Napan là chất cháy gây bỏng đặc biệt nguy hiểm, có thể vô hiệu hóa và giết chết nạn nhân rất nhanh chóng. Đối với những người sống sót nhưng bị bỏng độ 3, phần da và mạch bị thương tổn không có các cơ quan tiếp nhận cảm giác đau. Tuy nhiên, các nạn nhân bị bỏng độ 2 do bị các giọt napan bắn phải sẽ phải chịu rất nhiều đau đớn.

Napan đã chứng tỏ được uy lực và hiệu quả của mình trong Thế Chiến 2 khi một trận ném bom napan của Mỹ vào thành phố Tokyo đã khiến khoảng 100.000 người thiệt mạng, tương đương với số nạn nhân thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và nhiều hơn số nạn nhân trong vụ Nagasaki.

 - 2

Bom napan do quân đội Mỹ sử dụng

Thậm chí quân đội Mỹ còn muốn phát huy hiệu quả của napan lên một tầm cao mới bằng dự án chế tạo bom dơi napan. Trong công trình có tên là Dự án Tia X này, quân đội Mỹ dự định sẽ thả một đội quân dơi mang theo những quả bom napan hẹn giờ xuống các thành phố của Nhật.

Mỹ hy vọng những con dơi này sẽ tìm đến làm tổ trong các ngôi nhà bằng gỗ vốn rất phổ biến ở Nhật và khi thời khắc trên chiếc đồng hồ hẹn giờ điểm, con dơi sẽ ngay lập tức biến thành một quả bom nổ tung và giải phóng chất cháy napan nóng hàng ngàn độ, thiêu cháy tất cả những gì nó bám vào.

Rất may là sau vài lần thử nghiệm thành công, dự án bom dơi này đã bị hủy bỏ vì viên sĩ quan phụ trách dự án tính toán rằng Mỹ sẽ không đủ khí tài và napan để sử dụng cho hàng ngàn con dơi cho đến năm 1945, thời điểm khi chiến tranh kết thúc. Nếu không, chắc chắn người dân Nhật Bản sẽ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc hơn rất nhiều từ loại vũ khí hóa-sinh học ghê gớm này.

Mặc dù gây tổn thương và có thể là cái chết tức thì, vô cùng đau đớn cho các nạn nhân nhưng bom napan không để lại những hậu quả lâu dài về sau. Có một loại vũ khí hóa học cũng do quân đội Mỹ tạo ra có sức tàn phá khủng khiếp không chỉ cho nạn nhân mà còn để lại di chứng nặng nề cho rất nhiều thế hệ sau, đó chính là chất độc màu da cam.

Được phát minh vào thập niên 1940, chất độc màu da cam vốn dĩ được coi là một loại vũ khí hóa học diệt cây chứ không phải để tấn công con người. Chất độc màu da cam là một chất lỏng không màu, tên gọi của nó xuất phát từ màu của những sọc được vẽ trên các thùng phuy dùng để vận chuyển.

Quân đội Mỹ đã sử dụng rộng rãi chất độc da cam trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ 1961-1971 trong chiến dịch Bàn tay Nối dài (Ranch Hand), đây là một phần trong cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ áp dụng ở Việt Nam nhằm tiêu hao sinh lực của quân đội ta và hủy diệt môi trường, hệ sinh thái địa phương.

 - 3

Quân đội Mỹ rải chất độc màu da cam ở Việt Nam

Người ta đã phát hiện ra rằng chất độc da cam có chứa dioxin, một loại hóa chất gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, dị dạng và nhiều rối loạn chức năng ở cả người, đồng thời nó để lại di chứng nặng nề cho các thế hệ sau của những người bị phơi nhiễm chất độc này. Con cái của những người lính nhiễm phải chất độc da cam sẽ có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh và các căn bệnh hiểm nghèo khác.

Nửa thế kỷ sau cuộc chiến tranh, rất nhiều người bị phơi nhiễm chất độc da cam vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả khủng khiếp của nó. Ước tính khoảng 400.000 người Việt Nam đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam ước lượng khoảng 1 triệu nạn nhân đã bị tàn phế hoặc bệnh tật vì chất độc da cam.

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, quân đội các nước ngày càng chú trọng nghiên cứu và phát triển những loại vũ khí hóa học có liều lượng nhỏ nhưng vẫn có khả năng gây ra thương vong lớn cho đối phương. Trong các loại vũ khí hóa học được sử dụng phổ biến trong và sau Thế Chiến 2, chất độc thần kinh (nerver agent) là loại vũ khí có tác hại tức thì ghê gớm nhất và hiệu quả nhất trong việc tiêu hao, tiêu diệt sinh lực đối phương. Đây cũng chính là loại vũ khí mà Mỹ và các nước phương Tây đang cáo buộc chính phủ Syria sử dụng trong hồi tuần trước và được cho là gây ra cái chết của hơn 1000 người ở khu vực ngoại ô thủ đô Damascus.

 - 4

Một quả tên lửa chứa chất độc sarin

Chất độc thần kinh khi được phát tán dưới dạng lỏng và hơi nước có thể giết chết nạn nhân chỉ trong vòng vài phút sau khi bị nhiễm độc. Sau Thế chiến 2 và đặc biệt là trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã nghiên cứu và sản xuất nhiều loại chất độc thần kinh có khả năng giết người rất nhanh chóng. Sau đây là một số loại chất độc thần kinh đầu bảng:

Sarin: Sarin là một loại chất độc thần kinh do Đức quốc xã phát minh nhưng chưa bao giờ được thử nghiệm trên chiến trường. Khi xâm nhập vào cơ thể, chất độc Sarin sẽ tác động đến khả năng truyền tín hiệu của các tế bào thần kinh. Do các tế báo thần kinh không thể truyền tín hiệu điều khiển, các cơ bắt đầu mất kiểm soát và khiến nạn nhân chết ngạt do cơ hoành không hoạt động. Khí Sarin tác động trong khoảng 5 đến 12 tiếng, một người hít phải 100mg sarin có thể sẽ chết chỉ trong vòng 1 phút.

Một loại chất độc khác có tác động tương tự nhưng mức độ ảnh hưởng cao gấp 2 lần khí sarin là Cyclosarin. Một người trưởng thành hít phải 35mg khí Cyclosarin sẽ chết trong chưa đầy 1 phút. Hơi độc Cyclosarin đã được Tổng thống Iraq Saddam Hussein sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh với Iran.

 - 5

Một nạn nhân bị nhiễm khí độc trong cuộc chiến tranh Iraq-Iran

Một loại chất độc thần kinh khác có tác động nhanh gấp 100 lần khí Sarin là Soman. Trong thập niên 1960, Liên Xô đã sản xuất và dự trữ rất nhiều hơi độc Soman.

VX là vũ khí hóa học dạng lỏng, độc hơn khí Sarin gấp 10 lần. Chỉ cần một giọt 10mg VX dính trên da là đủ để giết chết một người. Mỹ đã từng sản xuất loại vũ khí hóa học này trong những năm 1950 và 1960.

Loại chất độc thần kinh kinh khủng nhất phải kể đến Novichoks, được Liên Xô sản xuất từ năm 1980 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh bằng cách pha trộn nhiều loại chất độc khác nhau. Hơi độc Novichok có mức độc hại gấp 10 lần chất độc VX và được Liên Xô sản xuất dưới 3 dạng là Novichok-5, Novichok-7 và Novichok-#.

Là loại vũ khí rẻ tiền, dễ chế tạo, dễ ngụy trang và gây ra thiệt hại rất lớn về nhân mạng, vũ khí hóa học không chỉ là thứ vũ khí đáng sợ trong tay lực lượng quân sự các nước nhằm mục đích phục vụ chiến tranh mà những kẻ khủng bố trên thế giới cũng đang ngày càng chú trọng vào loại vũ khí này. Và một trong những vụ khủng bố bằng vũ khí hóa học gây chấn động dư luận quốc tế là vụ tấn công bằng chất độc sarin trên hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản hồi năm 1995.

 - 6

Các nạn nhân trong vụ khủng bố sarin ở Tokyo năm 1995

Khoảng 8 giờ sáng 20/3/1995, các thành viên của giáo phái ngày tận thế Aum Shinrikyo đã phối hợp tiến hành 5 vụ tấn công bằng khí độc sarin trên những đoàn tàu điện ngầm ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản trong giờ cao điểm, làm chết 13 người và nhiễm độc 6.300 người.

Trước khi tiến hành vụ tấn công khủng bố gây thương vong lớn nhất Nhật Bản này, giáo phái Aum đã tích lũy một kho chứa khối lượng lớn các loại vũ khí thông thường, vũ khí sinh học và hóa học nhằm sẵn sàng cho một cuộc thánh chiến một mất một còn với chính quyền.

Sau vụ khủng bố kinh hoàng này, chính phủ Nhật Bản đã truy nã gắt gao và bắt giữ những thành viên cấp cao của giáo phái Aum, đồng thời đề ra những biện pháp quyết liệt đề phòng nguy cơ bị tấn công khủng bố bằng chất độc hóa học.

Ngày nay, vũ khí hóa học đã bị cộng đồng quốc tế coi là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt bị cấm trong mọi cuộc chiến tranh. Điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia nào sử dụng vũ khí hóa học sẽ bị coi là vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế và sẽ gây ra làn sóng phẫn nộ, bất bình trong dư luận quốc tế. Đây cũng chính là cái cớ để Mỹ và các nước phương Tây có thể can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, mà điển hình là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học diễn ra ở Syria hồi tháng trước.

Vụ tấn công được cho là được thực hiện bằng vũ khí hóa học này đã châm ngòi cho sự phản ứng dữ dội từ Mỹ và phương Tây, và nguy cơ về một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Syria đang ngày càng hiển hiện.

Mỹ và các quốc gia đồng minh đang cân nhắc biện pháp đáp trả vụ tấn công mà họ cho là bằng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở ngoại ô thủ đô Damascus hồi tuần trước. Trong khi đó, các thanh sát viên Liên Hợp Quốc cũng đang có mặt ở Syria để thu thập các bằng chứng về vụ tấn công khiến hàng trăm người chết này.

Cách đây một năm, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố rằng việc chế độ của ông Assad sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ vi phạm “giới hạn đỏ” và Mỹ sẽ có biện pháp can thiệp quân sự chống lại hành động này.

Tuy nhiên điều gì khiến các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học trở nên khủng khiếp hơn các cuộc tấn công quân sự thông thường vốn vẫn diễn ra hàng ngày ở Syria từ khi bắt đầu cuộc nội chiến cách đây hơn 2 năm? Và tại sao việc xác định bản chất chính xác của cuộc tấn công hồi tuần trước, trong đó có việc xác định chất độc hóa học đã được sử dụng trong cuộc tấn công này lại khó khăn đến vậy?

Kênh National Geographic của Mỹ đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia về vũ khí hóa học Alexander Garza về vấn đề này. Ông Garza là một bác sĩ và là cựu Thứ trưởng Y tế kiêm Trưởng phòng Y tế Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Hiện ông là giáo sư giảng dạy môn dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng và Công bằng Xã hội thuộc Đại học Saint Louis, Mỹ.

 - 1

Chuyên gia về vũ khí hóa học Alexander Garza

PV: Trong một cuộc chiến khiến hơn 100.000 người thiệt mạng, điều gì khiến một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vượt qua “giới hạn đỏ”?

Ông Garza: Lý do là gần như toàn bộ thế giới đều đi đến thống rằng không được sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh. Tôi cho rằng ngày nay chúng ta đều chấp nhận những cách thức thông thường để tiến hành chiến tranh, đó chính là đạn và bom.

Tuy nhiên như chúng ta đã thấy trong lịch sử, vũ khí hóa học và thứ vũ khí vô nhân đạo, một phương thức giết người vô cùng khủng khiếp, và đó là lý do gần như toàn thể nhân loại đặt nó ra ngoài vòng pháp luật.

Một lý do nữa là vũ khí hóa học giết người một cách bừa bãi, không giống như bom và đạn. Vũ khí hóa học cướp đi sinh mạng của tất cả mọi người trong bất cứ môi trường nào mà nó được triển khai. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều nạn nhân là trẻ em như vậy trong các bức hình về vụ tấn công ở Syria.

 - 2

Các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công

PV: Điều gì khiến vụ tấn công này khác biệt với những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khác mà người ta tố cáo là do chính phủ Syria gây ra trong vòng một năm qua?

Vụ tấn công này có quy mô lớn hơn rất nhiều, và chứng cứ về việc sử dụng vũ khí hóa học cũng rõ ràng hơn. Các vụ việc được cho là sử dụng vũ khí hóa học trước đây ở Syria đều không rõ ràng và bị tố cáo rộng rãi như vụ tấn công này. Những vụ việc trước có ít nạn nhân hơn nhiều, chúng xảy ra trong những khu vực không rộng lớn và các bên cũng tranh cãi quyết liệt về việc vũ khí hóa học có được sử dụng hay không.

Tuy chính quyền Mỹ và một số quốc gia khác đều xác nhận rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng trong các vụ tấn công này nhưng chúng ở quy mô quá nhỏ lẻ và không gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế như vụ tấn công này.

PV: Loại vũ khí hóa học nào bị nghi ngờ đã được sử dụng trong vụ tấn công này, và triệu chứng của những người bị trúng độc như thế nào?

Hầu hết những bằng chứng có được cho thấy loại vũ khí hóa học được sử dụng trong vụ tấn công này là chất độc thần kinh, đặc biệt là sarin. Syria sở hữu chương trình vũ khí hóa học khá nổi tiếng, và dựa trên các bản tin và hình ảnh trên các phương tiện truyền thông cũng như triệu chứng của các nạn nhân thì khí độc sarin là thủ phạm đáng nghi ngờ nhất.

Chất độc thần kinh như sarin sẽ ảnh hưởng đến khả năng truyền dẫn tín hiệu của hệ thống thần kinh tới các bộ phận của cơ thể bằng cách ngăn chặn các enzyme mà cơ thể sử dụng để phân giải các chất dẫn truyền thần kinh. Hậu quả là cơ thể bị kích thích quá độ, và cuối cùng sẽ ngưng hoạt động vì cơ thể không thể thực hiện được các chức năng bình thường.

 - 3

Một nạn nhân bị nhiễm chất độc thần kinh

Triệu chứng trúng chất độc thần kinh là việc sản sinh loại enzyme này của cơ thể sẽ bị hạn chế. Bệnh nhân có thể bị co đồng tử và có triệu chứng khó nhìn hoặc bị chảy nước mũi, đây là hậu quả của việc chất dẫn truyền thần kinh bị ngăn chặn. Nạn nhân có thể bị co giật, và cuối cùng bị chết ngạt vì không thể thực hiện hô hấp bình thường.  

PV: Có cách nào để điều trị khi bị những triệu chứng này không?

Cách chữa trị tốt nhất là phòng ngừa. Tuy nhiên khi bị trúng độc, có vài loại thuốc có tên là atropine và paralidoxime có thể chống lại tác động của chất độc hóa học.

Phương pháp chữa trị quan trọng không kém là khử độc cho nạn nhân. Bạn có thể dùng nước và có thể pha thêm chút xà phòng để tăng độ kiềm nhằm ngăn chặn tác dụng của hóa chất. Khi bị nhiễm độc nặng như trong vụ tấn công trên, phương pháp chữa trị phụ thuộc rất lớn vào thời gian, và cần phải cho nạn nhân uống thuốc giải độc càng nhanh càng tốt và khử độc càng nhiều càng tốt.

Rủi thay ở những nơi như Syria người ta không có nhiều thuốc giải độc cũng như kiến thức về các quy trình giải độc. Thế nên chất độc vẫn tiếp tục bám trên da và quần áo của nạn nhân.

Các chất độc hóa học này rất dễ bay hơi và nó có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh đang tìm cách chăm sóc nạn nhân. Thế nên nếu có thông tin rằng có những người bị nhiễm độc nhưng không có mặt ở gần địa điểm xảy ra vụ tấn công thì có thể họ đã bị nhiễm từ da và quần áo của các nạn nhân khác.

PV: Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đang tìm kiếm gì ở Syria?

Các chuyên gia này nhiều khả năng sẽ xem xét các địa điểm xảy ra vụ tấn công và phỏng vấn các nạn nhân, các y bác sĩ và người dân xung quanh khu vực. Họ cũng sẽ thu thập các mẫu vật và đưa về phòng thí nghiệm.

 - 4

Một thanh sát viên Liên Hợp Quốc thu thập mẫu vật tại hiện trường

Chất độc hóa học phân giải rất nhanh và biến mất vào môi trường xung quanh, tuy nhiên các điều tra viên vẫn có thể phát hiện dấu tích của chúng trong máu, nước tiểu, xác súc vật và đất đai. Việc phát hiện được các dấu tích cụ thể này sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng, vì nơi xuất phát duy nhất của các hóa chất này chỉ có thể là một cuộc tấn công bằng khí độc sarin.

Các thanh sát viên có thể phải mất hàng tuần mới đưa ra được câu trả lời chính xác. Trong một số trường hợp, nhiều nạn nhân được cho là bị phơi nhiễm lại không có chất độc trong máu (như trong vụ tấn công bằng khí sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo), tuy nhiên trong một số trường hợp chất độc này vẫn tồn tại. Không có gì thực sự tuyệt đối trong y khoa, thế nên các điều tra viên sẽ phải lấy rất nhiều mẫu vật, và họ sẽ phải tiến hành rất nhiều công việc.

PV: Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này khác như thế nào với vụ tấn công hóa học của Saddam Hussein nhắm vào người Kurd và Iran vào năm 1988?

Dĩ nhiên là vụ tấn công này có rất nhiều điểm tương đồng với vụ tấn công hóa học ở Halabja trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Nếu nhìn vào cảnh tượng của hai vụ tấn công này bạn sẽ thấy rằng chúng hầu như không có gì khác biệt.

PV: Với hậu quả khủng khiếp như vậy, và với nguy cơ thu hút sự chú ý của cồng đồng quốc tế lớn như thế, tại sao người ta vẫn sử dụng vũ khí hóa học?

Thật khó để chỉ ra logic trong hành động này khi họ biết rõ rằng cả thế giới đang dõi theo họ. Chúng ta chỉ có thể suy diễn về những gì diễn ra trong đầu óc của những người chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên điều gì thúc đẩy người ta sử dụng loại vũ khí này?

 - 5

Vũ khí hóa học có sức hủy diệt rất kinh hoàng

Khi Mỹ phát động chiến dịch Tự do Iraq, các quan chức quân sự đã lo ngại rằng khi bị dồn vào chân tường, Saddam Hussein sẽ sử dụng vũ khí hóa học như một giải pháp cuối cùng, nhưng rất may là điều đó đã không xảy ra.

Tuy nhiên từ những gì mà chúng ta quan sát thấy ở Syria, có vẻ như vũ khí hóa học không phải là một giải pháp cuối cùng. Những gì chúng ta thấy ở Syria cùng lắm chỉ là sự bế tắc, trong khi quân đội của ông Assad lại đang ở thế tiến công. Người ra lệnh phát động cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ắt hẳn phải là một kẻ rất hung bạo, đặc biệt là trong khu dân cư đông đúc không thể phân biệt được đối phương với dân thường vô tội như vậy.

Các bài viết khác

BACK TO TOP