• 16/12/2013 17:35:42 | 1262 lượt xem

Nghị lực “kim cương” và ước mơ của MC mù trên VOV

Trải qua bao nhiêu sóng gió nhưng bằng nghị lực của mình Đạt đã vượt lên tất cả. Mơ ước lớn nhất của Đạt lúc này là được vào đại học

Người chúng tôi muốn nói đến là cậu bé Cao Duy Đạt (SN 1991), quê ở Hương Nha (Tam Nông, Phú Thọ). Đạt là con út trong gia đình có bốn anh chị em. Bố mẹ cậu không ngờ cậu con trai bé bỏng của mình lại bị khiếm thị từ khi mới lọt lòng do di chứng một trận ốm sốt từ trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nghị lực và sự lạc quan đã giúp em vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống và trở thành người nổi tiếng. Cậu bé khuyết tật này đã xuất sắc đạt giải Vàng trong Liên hoan tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức tại Đắk Lắc năm 2006, giải nhì của cuộc thi hát "Khát vọng sống" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Và hơn ba năm qua, Đạt đã gắn bó với Blog Radio của Đài TNVN. Tuy nhiên, bây giờ đây ước mơ lớn nhất của em là được học đại học.

Cậu bé Cao Duy Đạt

Vượt lên số phận

Chúng tôi gặp Đạt vào một ngày Hà Nội mưa rả rích. Trước mặt PV là cậu bé đạt giải Nhất cuộc thi tiếng hát dành cho người khuyết tật toàn quốc. Em cao, gầy, nhanh nhẹn, hoạt bát. Những cử chỉ của Đạt khiến người đối diện có cảm giác như em không hề mất đi ánh sáng của đôi mắt. Nói chuyện với chúng tôi, Đạt kể: Khi em sinh ra với sự khiếm khuyết ở đôi mắt, bố mẹ em buồn lắm. Tám tháng tuổi, em đã phải lên bàn phẫu thuật. Bố mẹ em đã dồn hết những hi vọng vào ca mổ đó. Nhưng rồi họ đành thất vọng. Từ năm em lên ba cho đến năm sáu tuổi, liên tiếp năm lần nữa em được bố mẹ đưa xuống Viện mắt Trung ương để chữa trị. Tuy nhiên, mọi hy vọng vừa nhen nhóm đã bị dập tắt. Em phải đi học muộn hơn các bạn cùng trang lứa hai năm vì ở quê em không có những lớp học dành cho người khiếm thị.

Vậy là tám tuổi, cái tuổi mà nhiều học sinh bây giờ vẫn còn phải cha mẹ đưa đón tới trường, dỗ nịnh từng bữa cơm thì Cao Duy Đạt đã rời xa gia đình bắt đầu cuộc sống tự lập ở một trung tâm giáo dục dành cho người khuyết tật của tỉnh Phú Thọ.

Đạt nhớ cho biết, cứ cuối tuần, bố đều chở cậu đi trên chiếc Honda "đời 81" vượt qua hàng chục cây số bùn lầy để đón về nhà. Cho đến những năm học cấp ba, do không có chương trình học dành riêng cho người khiếm thị mà em phải học chung với các bạn bình thường khác. Mọi kết quả học tập đều do Đạt tự phấn đấu, tự cố gắng. Cậu bé nói vui với tôi rằng: "Các bạn đi thi đôi khi quên chỗ này, chỗ khác còn làm những tập tài liệu nhỏ để quay cóp, chứ những người khiếm thị như em làm gì có "phao" chữ nổi bao giờ". Ngày đi học, Đạt sợ nhất là môn hình học. Bởi vì môn học này là cái em khó "mã hóa" bằng âm thanh cho người khác hiểu. Nếu như những môn học khác, em có thể tiếp thu bằng thính giác nhưng với môn hình học thì hoàn toàn phải dùng trí tưởng tượng.

Trong ký ức của Đạt, cuộc sống của một học sinh khiếm thị như cậu ở ký túc xá có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Như việc nhiều lần đồ đạc bố mẹ gửi từ quê lên, các em để trong phòng cứ người nọ dùng lẫn của người kia, dùng không đúng đồ đạc của mình… Nhưng bây giờ, em đã quen với cuộc sống của một người phải nhìn bằng tay, nhìn bằng tai, nhìn bằng mọi giác quan mà không phải bằng đôi mắt. Đôi chân cậu giờ linh hoạt như có gắn "mắt thần". Đạt chia sẻ: Mọi sinh hoạt bây giờ em đã quen lắm rồi chị ạ. Thậm chí em có thể cắm cơm, tự giặt quần áo, tự nấu một vài món ăn đơn giản. Vất vả nhất có lẽ là chuyện đi lại. Từ quê lên đây học, tuy rằng tiền ăn ở đi lại đã được hỗ trợ nhưng hễ cứ đi đâu ra khỏi cổng trường là bọn em phải đi bằng xe ôm. Có những tuần em phải đi lại nhiều mất 800 - 1 triệu đồng tiền xe ôm.

Những giải thưởng vàng từ nghị lực "kim cương"

Chúng tôi có thể khẳng định rằng, bất cứ ai khi tiếp xúc với em dù chỉ một lần cũng sẽ bị cuốn hút vào những câu chuyện dí dỏm. Bởi cậu sở hữu giọng nói trầm ấm nhiều biểu cảm. Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết em là giọng nam Radio phát sóng vào sáng thứ 6 hàng tuần của VOV lúc 10h5' suốt từ năm 2008. Chúng tôi vẫn hay nghe chương trình này như một thói quen và lắng lòng. Những tâm sự của thính giả cả nước được truyền tải qua một giọng nói khá rõ, ấm và trầm bổng theo những cung bậc cảm xúc khác nhau. Chúng tôi đã rất hâm mộ giọng nói ấy. Và rồi, PV thực sự ngỡ ngàng khi biết giọng Vàng mà tôi và biết bao người "mê mệt" ấy chính là em, một người mà từ khi sinh ra không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Phải chăng vì em thiệt thòi với đôi mắt mà đã được bù lại bằng một chất giọng hiếm gặp ấy.

Đạt cho biết: "Em tham gia cuộc thi hát "Khát vọng sống" của Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức và đạt được giải Nhì. Ngay sau đó, em được các cô chú lãnh đạo giới thiệu đi thử giọng cho chương trình Blog Radio và đã trúng tuyển. Gắn bó suốt ba năm, em thích nhất là có nhận được những chia sẻ từ thư của các bạn từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về. Bây giờ, vì công việc học tập chiếm nhiều thời gian nên em đã lùi về làm cộng tác viết bài cho chương trình. Em không còn đọc chính nữa. Thỉnh thoảng có thời gian em vẫn đi làm MC đám cưới. Đạt chia sẻ: "Dù buồn nhưng em không cho phép mình được gục ngã. Phải có tinh thần lạc quan để vượt qua mọi khó khăn. Em luôn tự nhắc nhở mình như thế".

Kỷ niệm mà cậu bé này nhớ nhất trong những ngày đi thi hát của mình là được nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ôm vào lòng. Đó là khi em được giới thiệu hát trong chương trình của hội người khuyết tật Phú Thọ. Đạt cười bảo, khi được giải Vàng của Liên hoan tiếng hát người khuyết tật toàn quốc em cũng không thấy hạnh phúc bằng hai lần đó.

Dù là người khiếm thị nhưng Đạt rất hăng say với việc đi làm tình nguyện. Nhất là đi hát cho các chương trình từ thiện. Hễ bạn bè, anh em gọi là Đạt có mặt. Khi tôi hỏi về niềm đam mê của riêng mình, cậu mỉm cười: Em có nhiều ước mơ lắm. Em thích đàn, thích làm MC và mong được tiếp tục đi học. Bây giờ không có trường đại học nào dành riêng cho những người như em cả.

Hiện Đạt đang theo học lớp kỹ thuật âm thanh dành cho cán bộ của Hội người mù Việt Nam. Số phận em sao mà nhọc nhằn và gian nan quá. Có trường có thể tiếp nhận đơn xin học của em nhưng lại không thể sắp xếp một chỗ cho em ở trong ký túc xá. Trong khi đó, việc đi lại là khó khăn nhất đối với một người khiếm thị. Bởi thế, cả tuần nay, em hết sức vất vả tìm kiếm một ngôi trường mà mình có thể được nhập học dù chỉ là học tại chức buổi tối và được sắp xếp một chỗ trong ký túc để vơi nhẹ gánh nặng đi lại.

Ước mơ cháy bỏng của chàng trai mù

Điều mà tôi ấn tượng với em nhất đó là tinh thần ham học hỏi. Cậu bé khiếm thị kể, ngày 20/5/2012, cậu đã mang hồ sơ lên Đại học Sư Phạm 1 Hà Nội để xin xét tuyển vào khoa Giáo dục đặc biệt của trường. Bởi vì Đạt nghĩ, ngôi trường này có chế độ xét tuyển dành cho người khuyết tật có kết quả ba năm học cấp ba đạt loại khá. Nhưng khi lóc cóc mang hồ sơ đến thì cậu được trả lời là trường năm nay không xét tuyển mà phải nộp hồ sơ dự tuyển. Đạt buồn lắm. Vì thời điểm đó đã quá hạn nộp hồ sơ dự thi mất rồi. Bây giờ cậu chỉ mong có trường đại học nào đó xét tuyển để em có cơ hội được đi học. "Nếu cơ hội không có chắc em sẽ làm thêm một công việc gì đó để sang năm có thể dự thi như một thí sinh bình thường. Em thèm được học đại học lắm", Đạt bùi ngùi nói.

Dương Thu

HỘI TỪ THIỆN XANH - VIET GREEN CHARITY
Địa chỉ: 102 H50 Ngõ 41/27 Phố Vọng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 04.62785649 | Fax: 04.36285415
Mobile: 090 4 679 583
Email: vietgreencharity@yahoo.com | tuthienxanh@gmail.com
Website: www.vietgreencharity.com
Yahoo Chat: vietgreencharity
Facebook: https://www.facebook.com/hoituthienxanh

BACK TO TOP