- 16/11/2013 10:34:13 | 1582 lượt xem
Nỗi đau da cam ở Việt Nam phải đến hồi kết
Việt Nam đã và đang là nạn nhân
Cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt nam chấm dứt đã gần 40 năm, nhưng một số vùng lãnh thổ Việt Nam và hàng triệu người dân Việt Nam đã và vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của các loại chất độc da cam/dioxin (Agent Orange) mà quân đội Mỹ rải xuống.
Ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã nêu rõ: Ngày 20/11/1961, Chính phủ Mỹ chính thức phê chuẩn cho quân đội Mỹ tiến hành một chiến dịch khai quang. Sau các chuyến bay thử nghiệm, ngày 10/8/1961 máy bay của quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền Nam Việt Nam, dọc theo đường 14 từ Bắc Kon Tum đến Đắk Tô.
Trong suốt 10 năm, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin, xuống gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển. Chính chất dioxin đã phá hủy hệ sinh thái và đã nhiễm sâu vào đất, nước, thực phẩm, gây ung thư và dị tật bẩm sinh ở người.
Cụ thể, chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân thuộc thế hệ con, cháu. Nhiều gia đình có đến 4-5 nạn nhân, không lao động được để duy trì cuộc sống, lại bệnh tật triền miên, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Không chỉ người Việt Nam mà nhiều binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm chất độc da cam.
Theo định nghĩa các chất hóa học trong vũ khí hóa học (có đặc điểm chung là độc tính cao, tác dụng nhanh gây tổn thất lớn cho đối phương hay làm nguy hại trực tiếp cho nhiều người, động vật và cây cỏ nói chung), thì chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước đây lẽ nào tránh được tên gọi đích thực của nó là một loại “hóa chất quân sự” hay vũ khí hóa học.
Trước sự thật như vậy, nhưng phía Mỹ vẫn tìm cách thoái thác trách nhiệm, khước từ đơn kiện các công ty sản xuất và cung cấp hóa chất cho quân đội Mỹ trong thời chiến với bên nguyên là các nạn nhân Việt Nam với đại diện của họ là Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).
Tòa án Mỹ hai lần phớt lờ sự thật và loanh quanh với các định nghĩa như dioxin không phải là chất độc bị cấm bởi CWC, hay đòi hỏi các nạn nhân Việt Nam phải đưa ra bằng chứng cụ thể liên quan giữa hóa chất “khai quang” với bệnh ung thư hay các dị tật của con cháu các nạn nhân.
Nhưng thật vô lý, trong thực tế Chính phủ Mỹ lại tuyên bố đồng ý bồi thường cho các cựu quân nhân của mình từng tham chiến ở Việt Nam bị ảnh hưởng dioxin! Phải chăng, ở đây chẳng có chân lý chung nào cả, chân lý chỉ phụ thuộc “màu da” của nạn nhân?
Câu chuyện phải đến hồi kết
Dù câu chuyện quân đội Mỹ sử dụng hóa chất quân sự hay vũ khí hóa học xảy ra đã 40, 50 năm trước đây, nhưng việc bồi thường cho hàng chục vạn gia đình, hàng triệu nạn nhân vẫn chưa được giải quyết.
Một trong những hàng rào cản phía Mỹ đưa ra là “bằng chứng”, đặc biệt là bằng chứng giữa hóa chất “phát quang” với bệnh ung thư.
Nhưng khá bất ngờ, một kết quả nghiên cứu vừa mới công bố bởi nhóm nghiên cứu, không phải ở Việt Nam mà chính ở nước Mỹ, đã khiến dư luận gần đây đặc biệt chú ý. Kết quả nghiên cứu chứng tỏ, chất độc da cam/dioxin Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam để lại hậu quả không chỉ cho người Việt Nam mà còn cho cả những cựu chiến binh Mỹ.
Theo Reuters, công trình được thực hiện bới TS. Mark Garzotto và các đồng nghiệp thuộc Trung tâm Y tế Cựu chiến binh Portland (Oregon, Mỹ) nhằm tìm ra mối liên hệ giữa chất độc màu da cam với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích bệnh án của 2.720 cựu chiến binh từng làm xét nghiệm sinh thiết tuyến tiền liệt. Qua tìm hiểu của nhóm nghiên cứu, cứ 13 người trong số này lại có 1 người từng tiếp xúc với chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam. Khoảng 900 người, tức 33% số cựu chiến binh này bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt, trong đó khoảng một nửa mắc ung thư tiền liệt tuyến tăng triển (aggressive) và tiến triển nhanh (fast-growing).
Sau khi xem xét về độ tuổi, chủng tộc, cân nặng và tiền sử mắc ung thư của gia đình các cựu chiến binh, nhóm kết luận những người từng tiếp xúc với chất độc màu da cam có nguy cơ mắc các dạng ung thư tiền liệt tuyến cao hơn 52% so với những người không bị phơi nhiễm.
Nhiều tờ báo và các hãng truyền thông lớn ở Mỹ như CBS News, Reuters dẫn lời chuyên gia giải phẫu David Samadi, tuy không thuộc nhóm nghiên cứu của Trung tâm Y tế cựu chiến binh Mỹ nói rằng: Thời gian và mức độ tiếp xúc với dioxin có thể làm thay đổi ADN và đẩy tế bào vào những chu kỳ phát triển khác biệt sinh ra tế bào ung thư.
Với các kết quả nghiên cứu mới trên đây, ông Chủ tịch Hội Nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết: “…Chúng tôi đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để chuẩn bị vụ kiện mới, đây hoàn toàn là vụ kiện dân sự của các nạn nhân sống gần các điểm nóng, hàng ngày phải tiếp xúc với không khí, nước, thực phẩm gây phiền hà, lo lắng cho họ”.
Khác với những vụ kiện trước đây, nguyên đơn là các nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất da cam/dioxin thì trong vụ kiện sắp tới, nạn nhân là những người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, trong đó có phụ nữ và trẻ em đang sống tại các điểm nóng quanh khu vực sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và sân bay Phù Cát của tỉnh Bình Định.
Việc làm sáng tỏ các khái niệm, ngôn từ, viện dẫn pháp lý v.v…cũng là cần thiết và có thể cần thêm thời gian. Nhưng việc nhận rõ trách nhiệm, thực hiện trách nhiệm bồi thường đối với hàng vạn gia đình, hàng triệu con người Việt Nam, cũng như hàng chục ngàn binh lính Mỹ đã và đang chết chóc, đau đớn, bất hạnh là điều không nên trì hoãn thêm nữa.
Đó là tiếng gọi không chỉ của lòng nhân đạo, thái độ ứng xử đàng hoàng của một dân tộc mà cả của lẽ công bằng và tính chân lý trong thời đại văn minh hiện nay.
HỘI TỪ THIỆN XANH - VIET GREEN CHARITY
Địa chỉ: 102 H50 Ngõ 41/27 Phố Vọng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tel: 04.62785649 | Fax: 04.36285415
Mobile: 090 4 679 583
Email: vietgreencharity@yahoo.com | tuthienxanh@gmail.com
Website: www.vietgreencharity.com
Yahoo Chat: vietgreencharity
Facebook: https://www.facebook.com/hoituthienxanh